Phẫu thuật tái tạo ngực là phương pháp tạo hình lại tuyến vú sau khi cắt bỏ để điều trị ung thư vú. Hiện có nhiều kỹ thuật tái tạo ngực gồm sử dụng túi ngực bằng silicon hoặc nước muối, sử dụng một vạt mô từ cơ thể (vạt da cơ thẳng bụng, vạt da cơ lưng rộng...).
BS.CKI Đỗ Anh Tuấn, khoa Ngoại Vú, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, khuyên người bệnh cần kiên nhẫn, chăm sóc cẩn thận, điều chỉnh cách cử động và kiểu ngủ trong quá trình hồi phục sau mổ. Người bệnh có thể đi bộ, leo cầu thang sau phẫu thuật nhưng nên nhẹ nhàng.
Trong 3-4 tuần đầu tiên, người bệnh không hoạt động mạnh, không nhấc hay xách vật nặng 3-5 kg, tránh tập các động tác liên quan đến bụng, lưng trong ít nhất 8 tuần và hạn chế các động tác, tư thế làm căng vết mổ vùng bụng hoặc lưng, nhất là khi phẫu thuật tái tạo ngực bằng vạt da cơ thẳng bụng hoặc vạt da cơ lưng rộng. Phụ nữ tái tạo ngực bằng túi ngực, tránh tập các động tác làm căng cơ ngực, gây chèn ép túi ngực.
Bác sĩ hướng dẫn một số bài tập vật lý trị liệu nhẹ nhàng trong hai tuần đầu tiên, hỗ trợ chăm sóc sau phẫu thuật tái tạo, giúp vết mổ lành tốt, người bệnh hồi phục nhanh hơn.
Hậu phẫu, ngực được tái tạo, nách và vùng phẫu thuật ở bụng hoặc lưng (vùng lấy mô tái tạo) thường sưng nhẹ. Người bệnh có thể bị căng tức, tê, giảm cảm giác ở vùng bụng hoặc lưng trong vài tháng đầu, nên dùng đai nịt bụng để nâng đỡ vị trí lấy vạt giúp thoát lưu dịch tốt hơn.
Bác sĩ Tuấn khuyến cáo người bệnh nên ăn uống đa dạng và đủ chất, tránh món cay, nhiều dầu mỡ; khuyến khích ăn nhiều chất xơ, trái cây sau phẫu thuật ngực. Giữ vết thương khô ráo, tái khám sau mổ một tuần để bác sĩ kiểm tra vết mổ, ống dẫn lưu, thay băng.
Nguyễn Trăm
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh ung thư tại đây để bác sĩ giải đáp |