Ung thư vú là bệnh ung thư phổ biến hàng đầu ở nữ giới. Nếu được chẩn đoán sớm, tỷ lệ sống thêm 5 năm hoặc hơn có thể đến 90%. Riêng nhóm phụ nữ dưới 35 tuổi mắc ung thư vú, tỷ lệ sống thêm 10 năm hoặc hơn ở giai đoạn sớm là trên 80%.
Ngày 17/4, ThS.BS.CKI Lê Văn Minh Tuệ, khoa Vi phẫu Tạo hình thẩm mỹ, Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết người bệnh có thể sống thêm nhiều năm nếu được điều trị sớm. Do đó, chất lượng sống sau khi chữa bệnh cần được quan tâm cải thiện.
Để điều trị hoặc ngăn chặn ung thư vú tiến triển, bác sĩ có thể chỉ định người bệnh phẫu thuật đoạn nhũ (cắt bỏ ngực hoàn toàn). Song sau điều trị, khiếm khuyết trên cơ thể dễ khiến người bệnh tự ti, ảnh hưởng đến sức khỏe, chất lượng sống và tình cảm vợ chồng.
Theo bác sĩ Tuệ, có hai kỹ thuật chính trong tạo hình ngực là sử dụng túi ngực và mô tự thân. Túi độn ngực là vật liệu nhân tạo có hình bầu ngực, với nhiều kích cỡ khác nhau. Sử dụng túi độn là kỹ thuật tạo hình ngực có độ an toàn cao, dễ thực hiện. Tuy nhiên, nhược điểm của phương pháp này là kích thước ngực không thay đổi nếu người bệnh tăng hoặc giảm cân; cần thay túi mới sau khoảng 10 năm hoặc khi có biến chứng.
Phương pháp tái tạo ngực khác là sử dụng mô tự thân. Bác sĩ chuyển mô (tổ hợp bao gồm da, mô mỡ dưới da có kèm mạch máu nuôi) từ một vị trí khác trên cơ thể của chính người bệnh đến ngực cần tạo hình. Bác sĩ Tuệ đánh giá so với sử dụng túi độn, phương pháp này có nhiều ưu điểm hơn như không cần phẫu thuật tạo hình lại, kích thước ngực có thể thay đổi theo cân nặng, giúp cơ thể cân đối hơn; cảm nhận phần ngực tái tạo phần nào giống với ngực tự nhiên.
"Tạo hình ngực tự thân giúp người bệnh ung thư vú tự tin hơn, tránh được khiếm khuyết trên cơ thể", bác sĩ Minh Tuệ nói.
Như chị Hà, 40 tuổi, phát hiện ung thư vú năm 2019. "Sau khi đoạn nhũ, khỏi ung thư, song phần ngực bị cắt để lại nhiều sẹo làm tôi mặc cảm", chị Hà nói. Sau tìm hiểu, chị Hà đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM tái tạo ngực bằng mô tự thân. Chị hài lòng với vòng một đầy đặn.
Còn chị Linh, 32 tuổi, đoạn nhũ điều trị ung thư vú khi còn trẻ. Khiếm khuyết cơ thể khiến chị suy sụp tinh thần, sống khép kín. Sau khi được bác sĩ tư vấn, tái tạo ngực mới bằng phương pháp mô tự thân, chị tự tin hơn, hòa nhập cuộc sống.
Bác sĩ Tuệ lưu ý tạo hình ngực bằng mô tự thân có nhiều ưu điểm hơn nhưng không phải người bệnh nào cũng có thể thực hiện. Bác sĩ chỉ định phương pháp tái tạo dựa trên nhiều yếu tố như tình trạng sức khỏe, kích thước ngực trước phẫu thuật và ngực đối bên, thể tích mô ngực đã cắt bỏ, mô tự thân hiện có và mong muốn riêng của từng người bệnh.
Tái tạo ngực là phẫu thuật lớn, tiềm ẩn một số rủi ro như nhiễm trùng, tắc mạch ghép, thoát vị thành bụng, đọng dịch, hoại tử vạt, mất hoặc giảm cảm giác nhũ hoa... Người bệnh nên phẫu thuật tại các cơ sở y tế có đầy đủ chuyên môn, trang thiết bị và đội ngũ bác sĩ được đào tạo về kỹ thuật tái tạo ngực.
Phi Hồng
* Tên người bệnh đã được thay đổi
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh ung thư tại đây để bác sĩ giải đáp |