7 lần IUI (bơm tinh trùng vào buồng tử cung) và chuyển phôi thất bại ở nhiều bệnh viện tên tuổi, cuối cùng chị Nguyễn Thị Thanh Trà có thai sau lần chuyển một phôi duy nhất tại Trung tâm Hỗ trợ Sinh sản BVĐK Tâm Anh TPHCM (IVFTA). Anh Đặng Tấn Bảo, chồng chị Trà, đã đặt tên con gái là Đặng Tâm Anh, như một cách tri ân các bác sĩ ở bệnh viện đã giúp họ hiện thực hóa giấc mơ làm cha mẹ.
Chị Trà kể, ngày bắt đầu chữa hiếm muộn, hai vợ chồng trẻ mang theo bao niềm hy vọng nhưng hành trình "tìm con" không hề dễ dàng. Chị bị tai biến xuất huyết âm đạo nghiêm trọng khi chụp X-quang tử cung và vòi trứng kiểm tra tìm nguyên nhân chậm con. Cú sốc đó khiến chị phải tạm dừng kế hoạch. Hai năm sau, chị tiến hành kích thích buồng trứng để bơm tinh trùng vào tử cung 3 lần nhưng cũng không thành công.
Năm 2019, chị được phát hiện mắc hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS), muốn có con chỉ có thể làm thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) hoặc nuôi trứng non trưởng thành trong ống nghiệm (IVM). Thêm 2 lần chọc hút trứng, 4 lần chuyển phôi thất bại, chị Trà đã 37 tuổi, chồng bước sang tuổi 40.
Cuối tháng 2/2021, sau khi tìm hiểu, chị quyết định đến IVF Tâm Anh TP HCM, dù trong lòng không ít lo lắng khi lựa chọn điều trị hiếm muộn tại một trung tâm hỗ trợ sinh sản mới thành lập.
Theo các nghiên cứu, phụ nữ càng có tuổi, khả năng có con càng giảm do chất lượng và số lượng của trứng cạn kiệt. 90% trứng của phụ nữ trong độ tuổi 40 bị bất thường về nhiễm sắc thể nên ngay cả khi thụ thai, nguy cơ sẩy thai, sinh non và các biến chứng liên quan đến thai kỳ khác sẽ tăng lên. Khi phụ nữ đến giai đoạn tiền mãn kinh, cơ hội mang thai chỉ còn 5-10%.
Bác sĩ Giang Huỳnh Như, Giám đốc IVFTA-HCM, cho biết vấn đề của chị Trà là bất thường trong rụng trứng ở phụ nữ bị hội chứng buồng trứng đa nang. Khi kích thích buồng trứng có thể gặp hội chứng quá kích buồng trứng, gây tràn dịch ổ bụng, màng phổi, màng tim, suy thận, thậm chí thuyên tắc mạch và suy hô hấp. Hiện nay, tỷ lệ hội chứng quá kích buồng trứng đã giảm khá nhiều do được áp dụng những phác đồ, kỹ thuật hiện đại.
Để loại bỏ nguy cơ hội chứng quá kích buồng trứng ở người bệnh, ngay sau 1-2 đơn thuốc đầu tiên, nếu nang phát triển quá nhiều, bác sĩ có thể sử dụng kỹ thuật nuôi trứng non lên trưởng thành và kết hợp với tinh trùng. Ở giai đoạn chuẩn bị chọc hút trứng, nếu bệnh nhân có một số biểu hiện nghi ngờ có hội chứng quá kích buồng trứng, bác sĩ sẽ lên phác đồ sử dụng thuốc.
IVFTA-HCM có phòng lab đạt chuẩn ISO 5 với hệ thống tủ nuôi cấy time-lapse để quan sát liên tục, tiên lượng phôi có tiềm năng phát triển cao nhất đến giai đoạn phôi nang (phôi ngày 5). Phần mềm phân tích phôi áp dụng trí tuệ nhân tạo hỗ trợ chuyên viên lựa chọn phôi tốt nhất, giúp tăng hiệu quả từ 70 đến 80%, tăng tỷ lệ phôi làm tổ, tỷ lệ trẻ sinh sống khỏe mạnh, giảm tỷ lệ sẩy thai trong thụ tinh ống nghiệm, đồng thời giảm thời gian và chi phí điều trị cho bệnh nhân.
"Đây có thể coi là tiến bộ quan trọng về công nghệ trong ngành hỗ trợ sinh sản, giúp đúc ra ‘phôi vàng’ cho nhiều vợ chồng hiếm muộn", bác sĩ Huỳnh Như nhấn mạnh.
Lần chọc hút đầu tiên, số lượng trứng và số phôi chất lượng thu được của chị Trà đều nhiều gấp 3 lần so với trước. Chị chọc hút được 23 trứng, tạo thành 11 phôi ngày 3, chị được tư vấn tiếp tục nuôi phôi nang, kết quả chị có 5 phôi ngày 5 và 3 phôi ngày 6. Vợ chồng chị quyết định trữ đông phôi, chờ thời điểm thích hợp sẽ tiến hành chuyển vào buồng tử cung.
Đúng thời điểm đó, TP HCM trở thành tâm dịch Covid-19, vợ chồng chị Trà phải trì hoãn điều trị. Họ căng thẳng do không xác định được thời điểm nào mới có thể tiếp tục lại và sợ khả năng mang thai bị ảnh hưởng.
"Bác sĩ Giang Huỳnh Như đã trấn an tôi, trữ đông phôi công nghệ tốt, chất lượng phôi được đảm bảo, không bị giảm chất lượng theo thời gian. Tỷ lệ phôi sống sau rã đông lên tới 99%", chị Trà kể.
Đến tháng 10/2021 khi TP HCM bước vào thời kỳ bình thường mới, vợ chồng chị Trà tiếp tục hành trình điều trị dang dở. Ngày 17/12/2021, bác sĩ Huỳnh Như chuyển một phôi ngày 5 cho chị Trà. Ngay dịp kỷ niệm 10 năm ngày cưới, chị Trà được trải nghiệm cảm giác mang bầu, ốm nghén.
Bé gái nặng 3,1 kg khỏe mạnh vừa chào đời vào tháng 8/2022, tại BVĐK Tâm Anh TP HCM. Đây là món quà vô giá sau 10 năm điều trị hiếm muộn của vợ chồng chị Trà.
PSG.TS.BS Trần Quang Bính, Giám đốc Chuyên môn BVĐK Tâm Anh TP HCM, chia sẻ niềm vui khi số ca IVF thành công tại đây tăng lên theo từng năm, từ hơn 500 ca vào năm 2021 lên hơn 1.000 ca vào năm 2022. Bệnh viện Tâm Anh trở thành "miền đất lành" để vợ chồng hiếm muộn đón con. Nhiều cặp vợ chồng quay trở lại điều trị tiếp sau khi đã có con và muốn sinh thêm.
"Vợ chồng hiếm muộn thường vái tứ phương nhưng đừng vái nhầm phương. Vợ chồng tôi còn 7 phôi chất lượng tốt đang trữ đông tại bệnh viện. Sau khi em bé cứng cáp hơn, tôi sẽ sớm quay lại IVFTA-HCM để tiếp tục "tìm con" thứ hai", chị Trà nói.
Tuần tư vấn "Cập nhật phác đồ mới tăng tỷ lệ thành công & sinh con khỏe mạnh" đang diễn ra trên báo điện tử VnExpress, với sự tham gia của PGS.TS.BS Lê Hoàng - Giám đốc Trung tâm IVFTA Hà Nội, ThS.BS Giang Huỳnh Như - Giám đốc Trung tâm IVFTA-HCM cùng đội ngũ cộng sự trong điều trị vô sinh hiếm muộn. Độc giả gửi câu hỏi tại đây để được các chuyên gia giải đáp chi tiết trong chương trình. |
Tuệ Diễm