Khi nào người có polyp được chỉ định phẫu thuật và có nguy hiểm không? (Mai Anh, 43 tuổi, Bà Rịa - Vũng Tàu)
Trả lời:
Polyp đại tràng hình thành do sự tăng sinh quá mức các tuyến niêm mạc đại trực tràng (còn gọi là ruột già). Phần lớn các polyp lành tính, tuy nhiên vẫn có một tỷ lệ nhỏ tiến triển thành ung thư đại tràng. Do đó, người có polyp đại tràng cần được theo dõi định kỳ.
Tùy thuộc vào loại, số lượng, kích thước và vị trí polyp đại tràng mà bác sĩ sẽ có chỉ định cắt qua nội soi đại trực tràng hoặc phẫu thuật hay không. Bạn cần phân biệt giữa cắt qua nội soi và phẫu thuật. Cắt qua nội soi là một thủ thuật nhẹ nhàng, được làm tại phòng nội soi và người bệnh được về trong ngày. Phẫu thuật được tiến hành tại phòng mổ, cần gây mê và người bệnh sẽ nằm viện theo dõi.
Polyp được chia thành nhiều nhóm như sau:
Nhóm một là polyp tăng sản nhỏ, người bệnh có thể không cần cắt, thường kích thước dưới 5 mm. Polyp ở đại tràng bên trái - trực tràng hiếm có nguy cơ tiến triển thành ung thư.
Nhóm hai là polyp u tuyến nên được cắt bỏ vì tiềm ẩn nguy cơ ác tính. Polyp u tuyến có kích thước càng lớn, nguy cơ tiến triển ung thư càng cao. Với số lượng polyp ít, bác sĩ có thể chỉ định cắt polyp qua nội soi một lần. Trường hợp nhiều polyp có thể phải cắt nhiều lần. Nếu mức độ nghiêm trọng, người bệnh có hàng trăm polyp dọc theo khung đại tràng, bác sĩ sẽ cân nhắc phẫu thuật cắt đoạn đại tràng.
Nhóm ba là polyp đã tiến triển thành ung thư. Polyp ung thư sớm có thể điều trị triệt để bằng cắt trọn polyp có tế bào ung thư qua nội soi bằng kỹ thuật cắt hớt niêm mạc (EMR) hoặc dưới niêm mạc (ESD). Trường hợp polyp ung thư trễ phải phẫu thuật cắt đoạn đại tràng có chứa polyp ung thư, nghĩa là cắt một đoạn ruột già.
Việc đánh giá chính xác polyp ung thư sớm rất quan trọng. Điều này phụ thuộc vào kinh nghiệm của bác sĩ được đào tạo về ung thư sớm, hệ thống nội soi có độ phân giải cao, phóng đại tổn thương cũng như nhuộm màu điện tử (NBI, FICE, BLI, LCI...) chuyên dụng.
Tùy thuộc vào loại polyp đại tràng mà bác sĩ lựa chọn một số phương pháp phù hợp như cắt polyp trong lúc nội soi. Bác sĩ dùng kềm bấm đối với polyp nhỏ hơn 5 mm hoặc thòng lọng (snare) để cắt polyp lớn hơn 5 mm trong lúc nội soi. Nếu polyp đại tràng quá lớn hay không thể loại bỏ an toàn trong lúc nội soi thì sẽ được phẫu thuật xâm lấn tối thiểu. Người bệnh có tình trạng di truyền như đa polyp tuyến gia đình cần phẫu thuật cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ đại tràng. Sau khi được cắt bỏ, các loại polyp đại tràng sẽ được gửi đi làm xét nghiệm mô bệnh học, phân tích mẫu mô đánh giá mức độ nghịch sản, tế bào ung thư của polyp và bờ cắt có còn tế bào u hay không.
Cắt polyp là thủ thuật an toàn, ít xâm lấn, hiếm khi xảy ra rủi ro các biến chứng như chảy máu, thủng đại tràng... Khi cắt polyp đại tràng qua nội soi, bệnh nhân sẽ được tiền mê (ngủ nhẹ) nên không cảm thấy đau đớn trong quá trình nội soi.
Sau cắt, thông thường, bệnh nhân không cần dùng thuốc giảm đau hay cầm máu, có thể đau quặn bụng nhẹ và cơn đau hết dần trong ngày. Đa phần bệnh nhân có thể về trong ngày hoặc nằm viện 1-2 ngày để theo dõi như trong một số trường hợp đặc biệt, nguy cơ chảy máu cao do dùng thuốc chống đông. Sau khi thực hiện xong thủ thuật, bệnh nhân sẽ được hướng dẫn chế độ ăn uống, theo dõi biến chứng và tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ. Bác sĩ sẽ giải thích kết quả giải phẫu bệnh và kế hoạch theo dõi dài hạn.
Người bệnh sau khi cắt polyp đại tràng cần nội soi đại tràng mỗi 1-10 năm một lần, tùy theo loại polyp, số lượng, kích thước và tiền căn gia đình. Bác sĩ có thể theo dõi chặt chẽ về tình trạng sức khỏe đại tràng, hệ tiêu hóa của người bệnh. Người trên 40 tuổi nên tiến hành nội soi đại tràng tầm soát ít nhất một lần và bác sĩ sẽ tư vấn theo dõi định kỳ tùy vào kết quả nội soi. Nhờ đó người bệnh có thể được kiểm soát tốt tình trạng của đường tiêu hóa, phát hiện sớm các bệnh lý tiềm ẩn và có biện pháp can thiệp kịp thời.
Trường hợp của bạn có thể thuộc nhóm một, không có nguy cơ, nên bác sĩ không chỉ định cắt qua nội soi lẫn phẫu thuật. Bạn không nên quá lo lắng vì không phải polyp nào cũng gây ung thư. Nếu chưa yên tâm, bạn có thể hỏi bác sĩ kỹ hơn về tình trạng của bản thân, thăm khám định kỳ để tầm soát và theo dõi sức khỏe.
Bác sĩ chuyên khoa I Đặng Lê Bích Ngọc
Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật nội soi tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Độc giả có thể đặt câu hỏi về các bệnh tiêu hóa tại đây để được bác sĩ giải đáp.