Phẫu thuật cắt dạ dày áp dụng đối với các trường hợp ung thư dạ dày, viêm loét dạ dày tá tràng biến chứng, bệnh nhân béo phì. Bác sĩ có thể thực hiện phẫu thuật cắt dạ dày bằng phương pháp mổ mở hoặc phẫu thuật nội soi để cắt bán phần hay toàn bộ dạ dày, tùy theo từng mức độ tổn thương ở từng trường hợp cụ thể.
Bệnh dạ dày chiếm phần lớn các ca bệnh về tiêu hóa ở Việt Nam trong những năm gần đây. Trào ngược dạ dày thực quản, viêm loét dạ dày rất phổ biến, trong khi ung thư dạ dày ít gặp hơn nhưng lại có tỷ lệ tử vong cao thứ 3 ở nước ta, chỉ sau ung thư gan, ung thư phổi.

Phẫu thuật cắt dạ dày được chỉ định cho các trường hợp như ung thư dạ dày, viêm loét nặng, thủng dạ dày và điều trị béo phì.
Thông thường đối với tình trạng nhẹ thì người bệnh chỉ cần điều trị bằng thuốc, song đối với các biến chứng nặng, có nguy cơ đe dọa sức khỏe, tính mạng như viêm loét dạ dày biến chứng, các khối u đặc biệt là ung thư dạ dày thì cần phẫu thuật cắt dạ dày để bảo toàn tính mạng. TS.BS Đỗ Minh Hùng, Giám đốc trung tâm Nội soi và Phẫu thuật nội soi tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM cho biết, đối với những bệnh nhân béo phì bệnh lý, phẫu thuật cắt dạ dày cũng là phương pháp có thể áp dụng nhằm thu hẹp dạ dày, giảm khả năng thu nạp thức ăn, từ đó giúp người bệnh ăn ít lại, có thể giảm cân nặng.
Các phương pháp phẫu thuật cắt dạ dày
Hiện nay, người bệnh có thể được áp dụng hai phương pháp cắt dạ dày là mổ mở hoặc phẫu thuật ít xâm lấn. Khi thực hiện phương pháp này người bệnh cần được gây mê để ngủ thiếp đi, điều này vừa giúp bác sĩ dễ dàng thực hiện phẫu thuật, giúp người bệnh không cảm thấy đau đớn trong quá trình phẫu thuật diễn ra. Sau khi thuốc mê hết tác dụng, người bệnh sẽ cảm thấy đau, vì vậy, trong những ngày đầu sau phẫu thuật, bác sĩ có thể sẽ kê thuốc giảm đau bên cạnh thuốc kháng sinh, thuốc điều trị khác (nếu cần).
Phẫu thuật mổ mở: Đây là phương pháp truyền thống được thực hiện bằng cách bác sĩ dùng dao mổ cắt một đường dài giữa bụng để tiếp cận dạ dày trực tiếp bằng tay. Phẫu thuật mổ mở thường để lại vết sẹo lớn hơn, thời gian phục hồi lâu hơn so với phẫu thuật ít xâm lấn.
Phẫu thuật xâm lấn: có thể thực hiện bằng phẫu thuật nội soi truyền thống hoặc phẫu thuật robot. Các phương pháp này ít đau, thời gian phục hồi nhanh, thẩm mỹ và hiện được áp dụng rộng rãi trong việc cắt dạ dày ở nước ta, cụ thể tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh. Bác sĩ sẽ thực hiện cắt dạ dày bằng cách đưa dụng cụ nội soi vào trong bên trong dạ dày để thực hiện phẫu thuật thông qua một vết rạch nhỏ từ bụng.
Chuẩn bị gì trước khi phẫu thuật cắt dạ dày?
Khâu chuẩn bị trước mổ rất quan trọng vì vậy người bệnh cần tuân thủ nghiêm ngặt để tránh các sự cố có thể xảy ra trong quá trình phẫu thuật gây cản trở cho quá trình phục hồi hoặc đe dọa tính mạng của bản thân. Bác sĩ Hùng khuyên, trước khi phẫu thuật cắt dạ dày diễn ra, người bệnh cần chuẩn bị như sau:
Trước mổ vài ngày, người bệnh cần khám tiền mê bao gồm làm các xét nghiệm máu, đánh giá sức khỏe tổng quát.
Vào đêm trước ngày mổ và sáng ngày mổ, bệnh nhân cần tắm bằng dung dịch sát trùng Chlorhexidine 4%.
Bệnh nhân cần nhịn ăn uống từ đêm trước ngày mổ nhưng được uống các loại thuốc bác sĩ chỉ định vào sáng ngày mổ.
Đối với trường hợp người bệnh bị hẹp môn vị thì bác sĩ cần tiến hành rửa dạ dày trước khi phẫu thuật

Người bệnh cần làm các xét nghiệm để đánh giá sức khỏe tổng quát trước khi được phẫu thuật cắt dạ dày.
Các biến chứng trong và sau khi phẫu thuật cắt dạ dày
Bất kỳ một thủ thuật, phẫu thuật nào cũng có thể xảy ra tai biến (trong khi mổ), biến chứng (sau khi mổ) với các tỷ lệ khác nhau. Tỷ lệ này phụ thuộc vào tình trạng bệnh lý lúc phẫu thuật, kỹ thuật phẫu thuật, bệnh lý kết hợp, dinh dưỡng, tuổi, môi trường bệnh viện. Các tai biến, biến chứng có thể gặp như chảy máu do tổn thương mạch máu lớn, tổn thương lách, xì miệng nối hoặc xì mỏm tá tràng, áp xe (ổ tụ mủ) trong ổ bụng, nhiễm trùng màng bụng (viêm phúc mạc), hẹp miệng nối, nhiễm trùng vết mổ, bung thành bụng,... Ngoài các tai biến, biến chứng phẫu thuật còn có tai biến, biến chứng của gây mê hồi sức.
Các tai biến phải được xử trí ngay trong lúc phẫu thuật. Các biến chứng có thể điều trị bằng thuốc nhưng cũng có thể cần phải can thiệp bằng phẫu thuật. Do đó, để tránh tai biến, biến chứng thì cả ekip phẫu thuật, người bệnh cần tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc y khoa, bác sĩ Hùng nhấn mạnh.
Chăm sóc người bệnh sau phẫu thuật cắt dạ dày
Bác sĩ Hùng khuyên, về việc ăn uống, trong những ngày đầu sau phẫu thuật cắt dạ dày, người bệnh cần được nuôi bằng đường tĩnh mạch, tập ăn uống lại bằng đường miệng sớm nhất có thể. Thông thường sau 2 ngày có thể tập quen dần từ chế độ lỏng sang đặc dần. Nếu việc dùng thuốc giảm đau không hiệu quả, người bệnh vẫn cảm thấy đau đớn thì cần thông báo ngay cho bác sĩ. Sau khi phục hồi vết mổ, bệnh nhân tiếp tục duy trì chế độ ăn tốt cho tiêu hóa bao gồm rau xanh, trái cây, thực phẩm giàu sắt, vitamin C, D nhất là protein. Các thực phẩm giàu protein như cá, trứng, thịt gà... giúp người bệnh mau phục hồi.
Bên cạnh đó, cần có chế độ ăn mới để thích nghi với tình trạng của dạ dày hiện tại, ăn ít hơn, chia làm 6-8 bữa nhỏ trong ngày. Một thời gian dài sau đó, người bệnh mới từ từ cân bằng lại chế độ ăn bằng cách ăn nhiều hơn trong một bữa, cắt giảm bớt bữa ăn trong ngày, cho đến khi trở về 3 bữa chính. Sau phẫu thuật cắt dạ dày, bệnh nhân cần tập thói quen ăn chậm, nhai kỹ để dạ dày tiêu hóa thức ăn dễ hơn, tuyệt đối không ăn vội, gây hại cho đường ruột.
Về sinh hoạt, trong vài ngày đầu sau phẫu thuật người bệnh không nên tắm rửa mà chỉ nên lau người và thay quần áo. Những ngày tiếp theo khi tắm, bệnh nhân cần chú ý không để xà bông, nước tắm tiếp xúc với vết thương. Trong thời gian này, người bệnhchỉ nên vận động nhẹ nhàng quanh giường, tránh bất kỳ hoạt động nào gây áp lực lên vùng bụng. Sau khi vết thương phục hồi, bệnh nhân có thể luyện tập thể dục, thể thao nhẹ nhàng như bơi lội, đi bộ, thiền, yoga, tránh vận động quá mức có thể ảnh hưởng đến dạ dày như chạy, nâng tạ, gập bụng...

Sau phẫu thuật 3-5 ngày người bệnh có thể ăn uống các thức ăn dễ tiêu hóa như cháu, súp.
Phẫu thuật cắt dạ dày được chỉ định trong những trường hợp nghiêm trọng với tính chất chữa bệnh chứ không phải làm đẹp. Do đó, người dân không nên xem đây là một phương pháp giảm cân phổ thông, có thể áp dụng bừa bãi. Phẫu thuật cắt dạ dày cần được thực hiện ở các bệnh viện uy tín, có đội ngũ bác sĩ giỏi nghề, giàu kinh nghiệm, trang thiết bị y tế hiện đại, đảm bảo quá trình phẫu thuật, phục hồi của bệnh nhân diễn ra suôn sẻ, tránh biến chứng nghiêm trọng có thể đe dọa đến tính mạng hoặc ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe của người bệnh, bác sĩ Hùng khuyến cáo.
Bệnh viện Tâm Anh là đơn vị thăm khám và điều trị các bệnh về tiêu hóa, trong đó có phẫu thuật cắt dạ dày. Đơn vị có đội ngũ chuyên gia, bác sĩ đầu ngành, trang bị hệ thống máy móc, thiết bị y tế hiện đại. Đặc biệt, Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật nội soi tiêu hóa là nơi ứng dụng dụng cụ robot cầm tay cơ học kết hợp với hệ thống phẫu thuật nội soi 3D/4K ICG Rubina trong phẫu thuật nội soi điều trị bệnh lý đường tiêu hóa đem lại hiệu quả cao, giảm chi phí cho người bệnh.
Để tìm hiểu về chi phí thăm khám và điều trị, phẫu thuật các bệnh về tiêu hóa liên hệ:
Hệ thống bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Hà Nội:
108 Hoàng Như Tiếp, phường Bồ Đề, quận Long Biên, Hà Nội
Đặt lịch khám: 1800 6858
TPHCM:
2B Phổ Quang, phường 2, quận Tân Bình, TP HCM
Đặt lịch khám: 0287 102 6789
Fanpage: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Website: https://tamanhhospital.vn
(Nguồn: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh)