Vừa qua, Trung tâm nội soi và Phẫu thuật Nội soi tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh tiếp nhận ca cấp cứu anh Nguyễn Văn Long (37 tuổi, ngụ quận 12, TP HCM) nhập viện trong tình trạng bụng chướng, đau vùng bụng trên dữ dội, da vàng. Trước đó một ngày, anh đau bụng âm ỉ vùng thượng vị, cơn đau tăng dần, buồn nôn, chướng bụng kèm sốt nhẹ.
Qua thăm khám, kết quả xét nghiệm cho thấy men tụy tăng (lipase 978 U/L), hình ảnh chụp CT ghi nhận viêm tuỵ cấp phù nề, không thấy sỏi mật. Huyết tương của bệnh nhân đục như sữa với triglyceride máu ở mức cao gấp hơn 100 lần so với người bình thường. Bước đầu đánh giá về nguyên nhân, bác sĩ kết luận viêm tụy cấp do tăng triglyceride máu.
BS.CKI Huỳnh Văn Trung cho biết, mặc dù anh Long chỉ bị viêm tụy cấp ở mức độ trung bình nặng nhưng lại có thêm các yếu tố nguy cơ như: thừa cân, đái tháo đường, uống bia rượu nhiều. Đây chính là các yếu tố nguy cơ làm cho viêm tụy diễn tiến nặng, có thể dẫn đến tử vong.
Điều trị không dùng kháng sinh
Anh Long được giảm đau, bù dịch, hạ triglyceride với insulin truyền tĩnh mạch. Sau 12 giờ điều trị, triglyceride của người bệnh đã giảm (từ 126 mmol/l xuống còn 80 mmol/l), tình trạng đau bụng cũng giảm. Sau 48 giờ, chỉ số này về mức 10mmol/l, người bệnh được ăn uống trở lại qua ống sonde dạ dày, đầu tiên là nước đường, sau là cháo nước lỏng, rồi tăng dần lên là cháo đường. 72 giờ sau, tình trạng viêm tụy ổn định hơn, giảm đau bụng nhiều, người bệnh được rút ống sonde dạ dày, ăn qua đường miệng, bệnh ổn và xuất viện sau 7 ngày điều trị.
Theo bác sĩ Trung, trong điều trị viêm tụy cấp, các phương pháp cơ bản là giảm đau, bù dịch, xem xét cho ăn sớm trong vòng 24-72 giờ sau nhập viện. Bác sĩ kết hợp điều trị kháng sinh nếu có bằng chứng về nhiễm trùng, lọc máu thậm chí can thiệp phẫu thuật. Tuy nhiên, với trường hợp anh Long, bác sĩ không không dùng kháng sinh vì bệnh nhân không có bằng chứng nhiễm trùng.
"Việc dùng kháng sinh nếu không đúng chỉ định, ngoài vấn đề chi phí thì có thể làm chậm và giảm lượng dịch truyền cần thiết của người bệnh, nhất là trong 24-48 giờ đầu sau khi nhập viện", bác sĩ Trung cho biết.
Cảnh báo tình trạng lạm dụng kháng sinh trong điều trị
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo, tình trạng kháng thuốc kháng sinh làm cho việc điều trị các bệnh nhiễm trùng trở nên khó khăn hơn, đồng thời dẫn đến chi phí cao hơn, thời gian nằm viện kéo dài và tăng tỷ lệ tử vong. Hiện nay, mỗi năm có ít nhất 700.000 người chết do các bệnh kháng thuốc. Liên Hợp Quốc cũng dự báo các bệnh kháng thuốc có thể gây ra 10 triệu người chết mỗi năm vào năm 2050.
Để tránh tình trạng kháng thuốc kháng sinh WHO khuyến cáo, người bệnh cần tuân thủ nghiêm ngặt việc dùng thuốc kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ; không tùy tiện chia sẻ thuốc kháng sinh cho người khác; cần dùng thuốc kháng sinh đủ và đúng liều; chủ động phòng ngừa các bệnh về nhiễm trùng để tránh việc phải dùng thuốc kháng sinh; không lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi gia súc, gia cầm...
Bác sĩ Huỳnh Văn Trung cũng đưa ra khuyến nghị đối với các trường hợp người bệnh với tiền căn sỏi mật, uống nhiều rượu bia hoặc rối loạn lipid máu nhất là tăng triglyceride nếu có các triệu chứng như đau âm ỉ tăng dần vùng bụng trên, có thể kèm buồn nôn, nôn ói, sốt... cần thận trọng nguy cơ viêm tụy cấp. Người bệnh đến bệnh viện thăm khám ngay khi xuất hiện các triệu chứng trên.
"Người dân không tự ý dùng thuốc, đặc biệt là thuốc kháng sinh. Mỗi người nên kiểm tra sức khỏe định kỳ nhằm tầm soát đái tháo đường, rối loạn mỡ máu. Đồng thời hạn chế tối đa về vấn đề bia rượu, đây là các yếu tố nguy cơ gây viêm tuỵ cấp", bác sĩ Trung khuyến cáo.
Viêm tuỵ cấp hay gặp ở người mắc bệnh sỏi mật hoặc người có thói quen uống rượu bia nhiều. Ở Việt Nam, mặc dù chưa có số liệu cụ thể nhưng viêm tụy cấp là một tình trạng phổ biến, có thể gây tử vong nhanh chóng.
Tên của người bệnh đã được thay đổi
Quỳnh Phương Phạm