Liên quan đến vụ việc tài xế tông thẳng cảnh sát giao thông để trốn kiểm tra nồng độ cồn ở Hà Nam, tối thấy có nhiều ý kiến cho rằng lực lượng chức năng cần có biện pháp khác khoa học hơn thay vì đứng giữa đường để chặn xe. Thế nhưng biện pháp khác là gì khi vẫn có những kẻ cố tình vi phạm, thông chốt? Nếu chúng ta cứ kêu gọi sự tự nguyện của người tham gia giao thông và đòi hỏi phải giảm việc kiểm tra nồng độ cồn trực tiếp thì làm sao đem lại hiệu quả?
Đặt trường hợp nếu bạn là người lái xe trên đường, và quan sát thấy trước mặt đang có người đứng trên đường (không cần phải là CSGT) thì bạn có tông xe thẳng vào họ rồi đổ lỗi tại người ta đướng giữa đường không? Hay là bạn sẽ chủ động giảm tốc độ và thắng lại để tránh va chạm? Đó là ý thức lái xe chứ không thể đổ lỗi.
Tâm lý chung của người tài xế vẫn là phải tránh va chạm tối đa, tránh tông vào người đi bộ để tránh rắc rối. Mà muốn làm được vậy thì khi cầm lái, bạn buộc phải quan sát và xử lý tình huống theo luật. Mà luật có quy định rất rõ việc người tham gia giao thông phải tuân theo tín hiệu của người điều khiển giao thông, ở đây là CSGT.
Nên nhớ, lực lượng chức năng khi đang làm nhiệm vụ đều mặc áo phản quang để người lái xe có thể nhìn thấy từ xa và chấp hành hiệu lệnh dừng xe. Việc tài xế trong vụ việc trên nhấn ga và tông thẳng CSGT là hành vi cố ý chống người thi hành công vụ chứ không thể bào chữa là do không nhìn thấy hay vì cảnh sát đứng giữa đường khiến bất ngờ không phản xạ kịp.
>> Cú đạp ngã người vi phạm của cảnh sát giao thông
Xe vận chuyển hàng lậu, hàng quốc cấm, thực phẩm bẩn... là vi phạm nghiêm trọng. Xe dùng bảng số giả hoặc là xe gian, xe liên quan đến những vụ án khác là vi phạm nghiêm trọng. Tài xế có nồng độ cồn cao mà vẫn điều khiển phương tiện tham gia giao thông là vi phạm nghiêm trọng. Chống lại hiệu lệnh của người điều khiển giao thông là vi phạm nghiêm trọng. Cố ý tông người khác (bất kể là người bộ hành hay CSGT) là vi phạm nghiêm trọng. Cố ý bỏ chạy sau khi va chạm với người hoặc phương tiện khác cũng là vi phạm nghiêm trọng... Tất cả những trường hợp trên, việc CSGT xuống được chặt bắt tài xế ngay tại chỗ là việc cần thiết chứ không phải cứ bảo phạt nguội là xong.
Nói về biện pháp làm sao để chặn xe và kiểm tra được tài xế, dù bạn đứng trước đầu xe hay lệch sang bên lề thì với tài xế vô ý thức, manh động, họ cũng sẵn sàng không chấp hành hiệu lệnh dừng xe, nhấn ga tông thẳng để thông chốt. Vậy thì chặn kiểu gì? Chẳng lẽ chặn cho có? Chặn để kiểm tra nồng độ cồn mà không kiểm tra được ngay lúc đó, lại phải chờ đến hôm sau mới triệu tập tài xế lên kiểm tra nguội sau 24 giờ thì có nghĩa lý gì?
Vấn đề ở đây là làm sao để tài xế phải có trách nhiệm tuân thủ hiệu lệnh dừng xe dẫu cho người cảnh sát đứng ở đâu. Trong khi ở Việt Nam, tâm lý của nhiều tài xế luôn là "không có cảnh sát thì ta cứ phóng nhanh, vượt ẩu, vượt đèn đỏ bất chấp". Thậm chí khi thấy tín hiệu của CSGT, lắm kẻ vẫn nhấn ga lạng lách để bỏ chạy. Mà muốn thay đổi được ý thức, rất cần luật phải xử phạt nghiêm khắc hơn để tăng tính răn đe.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.