Liên quan đến vụ việc CSGT ở TP HCM giơ chân đạp làm người đi xe máy loạng choạng, tông một xe khác rồi ngã xuống đường, Đại úy đội CSGT Bàn Cờ đã bị đình chỉ công tác. Hành động của chiến sĩ cảnh sát ở vụ việc trên đúng - sai đến đâu còn cần thời gian để lực lượng chức năng điều tra, xác minh, và kết luận. Tuy nhiên, điều mà nhiều người quan tâm ở đây là CSGT nên có biện pháp ngăn chặn người vi phạm giao thông, có dấu hiệu tội phạm thế nào để không gây phản cảm, đồng thời không làm ảnh hưởng đến an toàn của những người đi đường?
Độc giả Ngoc Lan Pham Thi cho rằng cần có một công cụ hữu hiệu và ít bạo lực hơn: "Tôi mong chúng ta sẽ sớm có những công cụ hữu hiệu và ít bạo lực hơn đối với những lỗi như thế này. Người cảnh sát trong vụ việc trên đã không kiểm soát được cảm xúc của mình vì nam thanh niên không tuân thủ hiệu lệnh dừng xe. Tuy nhiên, nếu vì một hành động như vậy mà đã sử dụng biện pháp đạp ngã người vi phạm thì tôi thấy không phải là cách tốt nhất để giáo dục ý thức người tham gia giao thông.
Chúng ta hoàn toàn có thể sử dụng các biện pháp văn minh khác như phạt nguội, phạt nặng, thu hồi bằng lái... Những nước phát triển trên thế giới cũng ít khi phải dùng vũ lực vào những việc không đáng như vậy, nhưng người dân của họ vẫn tuân thủ pháp luật".
Đồng quan điểm, bạn đọc Phan Trường Thịnh phân tích: "CSGT tuần tra trên đường bộ, đường thủy, đường sắt... mục đích chính là để đảm bảo an toàn giao thông cho nhân dân. Vi phạm giao thông mức nào sẽ bị xử phạt hành chính, mức nào bị xử lý hình sự đều đã được luật pháp quy định rất rõ ràng. Nếu như trường hợp này người bị đạp xe té ngã, gây ra thương vong thì hệ lụy sẽ là rất lớn.
Do đó, tôi kính đề nghị cơ quan thẩm quyền cần có những điều chỉnh kịp thời:
Thứ nhất, CSGT khi ra đường làm nhiệm vụ phải có gắn camera trên mũ bảo hiểm hay trước ngực áo để đảm bảo ghi hình làm bằng chứng và xử lý các vi phạm, hạn chế các hình thức xin - cho của người vi phạm. Đồng thời, CSGT cũng phải có bộ đàm để gọi điện thẳng về trung tâm chỉ huy, điều phối, xin hỗ trợ trong trường hợp cần thiết như chặn bắt người vi phạm, người có dấu hiệu tội phạm. Đặc biệt, cần hạn chế rượt đuổi trên đường nếu như không phải cướp giật, tội phạm truy nã, ma túy... để tránh ảnh hưởng tới người xung quanh.
Thứ hai, cần tăng cường hình thức xử phạt nguội các vi phạm giao thông để răn đe người vi phạm, khiến họ không có hành vi chống đối người thi hành công vụ".
>> CSGT ra đường để răn đe, không phải trừng trị
Liên hệ với cách xử lý tại một quốc gia phát triển hàng đầu thế giới là Mỹ, độc giả Henry Ha nhấn mạnh: "Ở Mỹ, nếu cảnh sát muốn hất xe vi phạm để ép họ dừng lại thì phải xin ý kiến của cảnh sát trưởng. Đồng thời, CSGT cũng phải xem xét mật độ giao thông lúc đó, nếu có thể gây ảnh hưởng đến người đi lại trên đường thì họ sẽ chỉ bám đuôi cho đến đoạn đường trống vắng thì mới áp sát và trấn át. Còn bình thường, CSGT Mỹ có camera sẽ ghi hình toàn bộ hành vi của người vi phạm và sau đó xử phạt nguội. Không cần biết ai điều khiển xe, cơ quan chức năng chỉ lần theo người đăng ký chủ xe để phạt. Nếu chủ xe bao che thì bao nhiêu tội sẽ lãnh đủ".
Ủng hộ biện pháp phạt nguội thay vì truy đuổi người vi phạm giao thông, bạn đọc Kiettuan kết lại: "Tôi nghĩ nên áp dụng phạt nguội, CSGT có thể chụp ảnh, quay phim lại và xử lý người vi phạm sau. Còn đạp ngã như vậy, lỡ gây tai nạn, vừa ảnh hưởng đến bản thân, vừa gây thiệt hại cho tài sản và sức khỏe của người vi phạm cũng như người xung quanh. Chưa kể, trong tình huống hoảng loạn, người vi phạm có thể phóng nhanh, vượt ẩu trong khi đường đông, gây tai nạn hàng loạt cho các xe phía trước, ảnh hưởng tính mạng, sức khỏe và tài sản của cả hai bên. Người vi phạm thường rất liều lĩnh, liệu có nên cân nhắc phạt nguội không?".
Thành Lê tổng hợp
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.