Qua bài viết: "Phạt nóng còn không nổi thì đừng bàn tới phạt nguội vi phạm giao thông" của bạn Trang Lương, tôi có nhiều điểm không đồng tình.
Bất kỳ quốc gia nào cũng cần sự chỉ trích phê bình của người dân, miễn sao chỉ trích ấy là đúng để dựa vào đó mà điều chỉnh hành vi sao cho văn minh tốt đẹp hơn. Vì sao CSGT mặc sắc phục màu vàng trong khi các sắc phục cảnh sát khác là màu xanh hoặc rằn ri? Vì để cho người dân dễ nhận biết từ xa. Sự có mặt của các anh trên đường phố mang tính răn đe hơn là trừng trị. Thế nhưng nhiều CSGT lại đứng ở nơi khuất mắt để phạt người vi phạm giao thông thì răn đe và trừng trị cái nào nhiều hơn?
Ở nước ngoài, CSGT không có quyền thu tiền của người vi phạm. Họ chỉ có thể xé giấy phạt đưa cho người ta thôi. Còn tiền phạt do cơ quan khác thu. Từ đó bất kể là phạt nóng hay nguội thì cũng không có tiêu cực. Việt Nam mình để cho CSGT thu tiền cả chục năm, sau đó quy định lại để cho Kho bạc Nhà nước thu tiền thì đã chậm. Tiêu cực đã ăn sâu vào thói quen, nếp nghĩ thì khó gỡ lắm. CSGT chỉ có nhiệm vụ làm rõ người vi phạm giao thông vi phạm điều nào khoản nào của luật giao thông. Còn mức phạt thì cứ theo luật do cơ quan thi hành luật khác thu.
>> 'CSGT nên đứng cách nhau 50 mét khi dừng xe người vi phạm'
Có người hỏi "vì sao không thu tiền phạt qua tài khoản?". Chúng ta làm gì đã có kho dữ liệu quốc gia mà thu. Lẽ ra khi CSGT lập biên bản với người vi phạm, nội dung biên bản phải được đưa vào máy tính, vào kho dữ liệu quốc gia. Cơ quan thu tiền phạt sẽ truy cập dữ liệu này và trực tiếp thu qua tài khoản của người vi phạm.
Khi tôi đề cập đến kho dữ liệu quốc gia, nhiều người còn không biết nó là cái gì? Vì sao chính quyền các nước làm cái gì cũng rất nhanh, chỉ cần một cái click chuột? Vì họ có kho dữ liệu quốc gia. Chúng ta cải cách hành chính tới lui với đủ thứ đề án nhưng hiệu quả không như mong đợi vì chúng ta không có phương tiện hành chính cực mạnh này. Chính quyền thông minh gì đó toàn bộ là nhờ công cụ này. Không có nó làm sao thông minh?
Phạt nguội không phải chỉ có camera báo biển số xe vi phạm là đủ. Cái biển số ấy là giả, là thật, chính chủ hay không, qua kho dữ liệu quốc gia xác minh chỉ cần một giây. Từ đó chính quyền sẽ có biện pháp xử lý riêng cho từng trường hợp. Biển số giả sẽ bị công an hình sự chặn bắt ngay trên đường (CSGT không có quyền bắt người). Chính chủ hay không không quan trọng, thông qua hồ sơ xác minh ai là chủ là xong.
>> Bài viết cùng tác giả:
>> 'Xây đường sắt cao tốc 350 km/h là liều lĩnh'
>> 'Nhà tôi phân loại rác nhưng công nhân vệ sinh vẫn đổ lẫn vào với nhau'
>> 'Công Phượng sang châu Âu là đi ngược quy luật thế giới'
Tôi đi Tây du lịch, để ý xem họ làm như nào và liên hệ đến các cơ quan tương tự ở Việt Nam. Người ta không phải chỉ có ý thức mà còn có cả công cụ để hỗ trợ. Trong đó, công cụ máy tính đặc biệt nhiều. Một nhóm người làm việc luôn có ít nhất một người giám sát để tránh việc tiêu cực, làm khó dân. Mọi hình ảnh lời nói đều được ghi chép lưu trữ lại và sắp xếp theo trình tự thời gian. Họ phòng ngừa và chống tiêu cực như vậy chứ không phải là do ý thức tự giác của họ cao.
Có thể sửa lại dữ liệu để làm giả bằng chứng nhưng trình tự thời gian làm sao sửa? Chỉ cần một giây đứt đoạn trong hình ảnh lưu trữ, hình ảnh trước sau không khớp dù chỉ trong tích tắc là đủ để cơ quan tư pháp đặt nghi vấn. Với sự hỗ trợ của máy tính, muốn làm giả cái gì khó lắm. Đến bao giờ người Việt Nam mới thôi cảm tính?
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.