Căng thẳng và mụn có mối quan hệ hai chiều. Căng thẳng có thể khiến mụn nặng hơn, ngược lại mụn bùng phát có thể ảnh hưởng đến cảm xúc. Theo Hiệp hội Da liễu Mỹ (AAD), căng thẳng khiến cơ thể sản sinh ra nhiều hormone androgen, kích thích các tuyến dầu và nang lông, dẫn đến mụn. Tình trạng tâm lý này cũng có thể gia tăng hormone cortisol, khiến mụn thêm trầm trọng.
Các nhà nghiên cứu tại Trung tâm Y tế Đại học Pittsburgh, Mỹ, cho rằng người bị căng thẳng thường có xu hướng tìm đến thói quen xấu như ăn đồ ăn vặt, ngủ không đủ giấc, lười vận động, khiến da xấu đi.
Phản ứng căng thẳng của cơ thể có thể ảnh hưởng đến chức năng hàng rào bảo vệ da, khả năng lành thương và tăng nhiễm trùng da. Gãi nhiều làm cho tình trạng viêm nghiêm trọng, gây sẹo hoặc tăng sắc tố ở các vùng có màu sẫm.
Mụn có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, phổ biến nhất ở thanh thiếu niên. Mụn cũng có thể bắt đầu hoặc tiếp tục ở tuổi trưởng thành. Mụn phổ biến ở phụ nữ hơn nam giới do sự thay đổi nội tiết tố trong chu kỳ kinh nguyệt, giai đoạn mang thai hoặc mãn kinh.
Bất cứ ai gặp căng thẳng đều có thể nổi mụn. Một nghiên cứu năm 2017, thực hiện trên 144 nữ sinh y khoa, độ tuổi 22-24, của Đại học King Abdulaziz, Arab Saudi, cho thấy những người có mức độ căng thẳng cao hơn, tình trạng mụn trứng cá nghiêm trọng hơn. Tuy nhiên, cơ chế gây mụn do căng thẳng vẫn cần nghiên cứu thêm.
Một số loại mụn do căng thẳng gây ra như mụn gạo, mụn đầu đen, mụn sẩn, mụn mủ, mụn bọc. Mụn có thể xuất hiện ở các vùng như trán, mặt, ngực, lưng và vai. Căng thẳng có thể khiến mụn chậm lành, tổn thương tồn tại lâu và nghiêm trọng hơn.
Để điều trị mụn, bác sĩ có thể kê các loại thuốc uống hoặc thuốc bôi ngoài da. Liệu pháp hormone có thể được áp dụng nhằm ngăn chặn tác dụng của nội tiết tố androgen lên tuyến bã nhờn, thường dùng cho phụ nữ. Nếu không hiệu quả, bác sĩ cân nhắc phương pháp điều trị khác như liệu pháp laser, liệu pháp ánh sáng, phẫu thuật để chữa sẹo.
Người dễ nổi mụn làm sạch da nhẹ nhàng bằng sữa rửa mặt vào buổi sáng, buổi tối và sau khi tập thể dục. Nên dùng sản phẩm dịu nhẹ, rửa lại mặt bằng nước ấm. Không chạm, chà xát hay nặn mụn. Sử dụng kem chống nắng khi ra ngoài, vì một số loại thuốc điều trị mụn có thể khiến da dễ cháy nắng.
Gội đầu thường xuyên nếu bạn có tóc dầu. Tránh trang điểm, chọn mỹ phẩm và sản phẩm chăm sóc tóc không chứa dầu, uống nhiều nước.
Để giảm căng thẳng, nên duy trì lối sống lành mạnh, ăn thực phẩm bổ dưỡng, ngủ đủ giấc, tập thể dục thường xuyên, tránh uống rượu và caffeine. Tham gia các hoạt động mà bạn thích như tập yoga, massage hoặc nghe nhạc, thực hiện kỹ thuật thư giãn như hít thở sâu, thiền. Trò chuyện với bạn bè, gia đình hoặc bác sĩ sức khỏe tâm thần để giải quyết vấn đề tâm lý.
Anh Ngọc (Theo Verywell Health)
Độc giả đặt câu hỏi bệnh da liễu tại đây để bác sĩ giải đáp |