Theo BS.CKI Võ Thị Tường Duy, chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, mụn trứng cá đỏ là bệnh da liễu thường gặp ở nam và nữ 30-60 tuổi. Mụn xuất hiện chủ yếu ở trán, mũi, cằm, hai bên má. Biểu hiện gồm mạch máu giãn và hiện rõ lan rộng ra hai bên má; lỗ chân lông to, mụn mủ, phì đại tuyến bã, cảm giác rát bỏng, da đỏ và sưng tấy, nhất là vùng chữ T trên mặt. Mụn trứng cá đỏ phát triển qua 4 giai đoạn.
Giai đoạn tiền trứng cá đỏ: Da mặt nóng bừng, phù da thoáng qua, mồ hôi tiết nhiều kèm cảm giác châm chích khó chịu. Thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, ăn uống thiếu lành mạnh, căng thẳng... có thể khiến mụn trầm trọng hơn.
Giai đoạn mạch máu giãn: Biểu hiện là những nốt sẩn, mảng đỏ, mụn mủ xuất hiện ở giữa mặt, má, mũi, có thể lan sang trán và cằm dưới. Xuất hiện những mạch máu nhỏ giãn ra do quá trình vận chuyển máu bị rối loạn, tạo thành các đốm nhỏ đỏ rực xung quanh cánh mũi, da bị phù dai dẳng. Tình trạng nặng hơn, người bệnh ngứa râm ran, bỏng rát.
Giai đoạn viêm: Da đỏ, nổi mẩn đỏ, mụn mủ kích thước 2-5 mm ở ngoài nang lông, không nhân, không bã nhờn. Mụn mọc độc lập hoặc thành từng đám, đối xứng hai bên, phân bố ở má, trán, mũi, cằm. Biểu hiện giai đoạn này có thể nhầm với mụn trứng cá thông thường. Giai đoạn viêm có thể kéo dài nhiều năm và hiếm khi tự biến mất. Nếu không điều trị kịp thời, tổn thương trở nên nghiêm trọng, ảnh hưởng đến thẩm mỹ.
Giai đoạn muộn: Phì đại tuyến bã kết hợp với xơ hóa dẫn đến dày da, tăng sinh mô mềm, xảy ra chủ yếu ở mũi, gây nên hiện tượng mũi sư tử. Tình trạng này thường gặp ở nam giới trên 50 tuổi; sưng phù dạng bông cải ở tai, sưng phù như độn nệm ở trán và cằm. Ngoài các biểu hiện ngoài da, nhiều trường hợp còn bị khô mắt, sưng phù mi mắt. Người bệnh thường xuyên ngứa và rát mắt, khám mắt có thể thấy kết mạc đỏ hoặc có hạt xơ trong kết mạc.
Hiện chưa rõ nguyên nhân gây bệnh. Nghiên cứu của Viện da liễu Mỹ (AAD) cho rằng mụn trứng cá đỏ có thể liên quan đến yếu tố di truyền, hệ miễn dịch, suy yếu hệ thống tĩnh mạch vùng mặt. Ô nhiễm môi trường, tác động của tia UV, chế độ ăn nhiều dầu mỡ, sử dụng bia rượu, thuốc chứa corticosteroid hay thuốc điều trị huyết áp, ký sinh trùng... cũng là các yếu tố nguy cơ.
Bác sĩ Tường Duy cho biết mụn trứng cá đỏ là bệnh mạn tính, hiện chưa có phương pháp điều trị hoàn toàn nhưng vẫn kiểm soát được. Nếu mụn mủ, đỏ da, nóng rát và châm chích không bớt sau hai tuần hoặc nghiêm trọng hơn, người bệnh không nên tự ý mua thuốc, kem bôi, nên đến viện khám. Tùy nguyên nhân và tình trạng bệnh, bác sĩ đưa ra liệu trình điều trị phù hợp.
Điều trị có thể kéo dài vài tuần hoặc vài tháng, chủ yếu bằng thuốc bôi ngoài da nhằm tiêu diệt ký sinh trùng demodex, giảm ban đỏ, nốt sẩn, mụn mủ. Người bệnh nặng được chỉ định sử dụng thuốc kháng sinh. Trường hợp người bệnh u xơ nhiều, giãn mạch máu, bác sĩ sử dụng thêm liệu pháp laser, ánh sáng xung cường độ cao IPL hoặc phục hồi lạnh tùy từng trường hợp.
Tránh sử dụng đồ uống có cồn như bia rượu, ngưng sử dụng các loại mỹ phẩm có thể gây kích ứng, dùng sữa rửa mặt dịu nhẹ, thoa kem chống nắng, tuân thủ điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ.
Mai Hoa
Độc giả gửi câu hỏi bệnh da liễu tại đây để bác sĩ giải đáp. |