Sự phát triển của nhiều bệnh ung thư có liên quan đến lối sống không lành mạnh như hút thuốc, uống rượu quá mức, căng thẳng và thiếu hoạt động thể chất. Khi căng thẳng, cơ thể sẽ trải qua một loạt các thay đổi sinh lý tạm thời. Một khi tác nhân gây căng thẳng qua đi, tất cả sẽ trở lại bình thường. Tuy nhiên, có mối liên hệ giữa sức khỏe cảm xúc và thể chất. Căng thẳng trong một thời gian dài có thể gây ra những thay đổi lâu dài trong cơ thể, làm tăng nguy cơ hoặc thậm chí kích hoạt sự phát triển của một số tình trạng bệnh lý.
Đã có rất nhiều nghiên cứu về mối liên hệ giữa căng thẳng và ung thư. Tuy nhiên, có rất ít hoặc không có bằng chứng chứng minh căng thẳng có thể trực tiếp khiến ung thư phát triển. Tuy nhiên, bạn sẽ khó chăm sóc cơ thể và sức khỏe tốt khi rơi vào tình trạng này. Những thói quen không lành mạnh như ăn uống không kiểm soát, hút thuốc, uống rượu quá mức... cũng dễ nảy sinh khi cơ chế đối phó với stress. Và những những thói quen này đều có liên quan đến sự phát triển của ung thư. Thêm vào đó, căng thẳng còn có thể làm suy yếu hệ thống miễn dịch. Vai trò của hệ thống miễn dịch là bảo vệ cơ thể khỏi bệnh tật và nhiễm trùng. Căng thẳng mạn tính trong một thời gian dài có thể làm suy yếu hệ thống miễn dịch, khiến cơ thể dễ phát sinh ung thư hơn.
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Quebec, Đại học Montreal (Canada) đã xem xét về tác động của căng thẳng tại nơi làm việc đối với hơn 1.930 nam giới dưới 75 tuổi bị ung thư tuyến tiền liệt. Kết quả công bố năm 2017 cho thấy có mối liên hệ giữa việc căng thẳng kéo dài trong công việc làm tăng nguy cơ phát triển loại ung thư này.
Một số nghiên cứu của Đại học Giao thông Thượng Hải (Trung Quốc) và một số đơn vị năm 2021 cũng cho rằng, căng thẳng cũng có thể làm tăng sự lây lan ở những người bệnh ung thư như vú, buồng trứng, đại trực tràng. Cơ thể căng thẳng sẽ tăng cường sản xuất các hormone như norepinephrine kích thích sự phát triển của các tế bào ung thư.
Có hai dạng căng thẳng là căng thẳng mạn tính và cấp tính. Căng thẳng cấp tính chỉ diễn ra trong thời gian ngắn. Còn căng thẳng mạn tính kéo dài hàng tuần hoặc thậm chí hàng tháng. Các triệu chứng của căng thẳng mạn tính bao gồm lo lắng, buồn nôn, khó tập trung và thay đổi cân nặng. Dạng căng thẳng này có thể tác động tiêu cực đến sức khỏe. Khi chẩn đoán căng thẳng mạn tính, bác sĩ sẽ hỏi về những yếu tố gây căng thẳng và cách người bệnh phản ứng với chúng.
Để giảm stress, bạn có thể thực hiện một số cách như tập yoga và thiền, nói chuyện với một ai đó, đi ngủ... Một số nghiên cứu cho thấy yoga và thiền có thể giúp cơ thể cảm thấy dễ chịu hơn. Nếu bạn chưa có thói quen tập yoga trước đó thì có thể mở những video trên internet để bắt đầu. Nói chuyện với người thân, bạn bè về những phiền muộn cũng có thể loại bỏ những cảm xúc tiêu cực. Ngủ đủ giấc bằng cách tắt các kết nối với xã hội và các thiết bị điện tử, thư giãn, đọc sách... trước khi lên giường giúp cơ thể dễ chìm vào giấc ngủ, có thời gian tự phục hồi.
Kim Uyên
(Theo Verywell Mind)