Giai đoạn sớm nhất của ung thư được gọi là giai đoạn một (đầu), khi khối u nhỏ chưa phát triển sâu vào các mô lân cận hoặc các hạch bạch huyết. Nhận biết các triệu chứng ban đầu giúp phát hiện sớm ung thư, tăng hiệu quả điều trị và tỷ lệ sống sót.
Ung thư vú
Ung thư vú là loại ung thư phổ biến thứ hai ở phụ nữ, sau ung thư da. Nam giới chiếm 1% các trường hợp ung thư vú. Các dấu hiệu ban đầu của bệnh có thể gồm: sưng toàn bộ hoặc một phần vú; da vú bị lõm trông giống như vỏ cam; đau vú hoặc núm vú; núm vú thụt vào trong; núm vú hoặc da vú đỏ, khô, bong tróc, dày lên; tiết dịch núm vú (không phải sữa); sưng hạch bạch huyết. Nếu sờ thấy khối u, nhận thấy sự thay đổi ở vú, cơn đau... bạn nên khám tầm soát ung thư.
Ung thư tử cung
Phần lớn ung thư tử cung (nội mạc tử cung) thường được chẩn đoán ở giai đoạn đầu, do các triệu chứng đặc hiệu dễ nhận biết. Dấu hiệu sớm của bệnh gồm: chảy máu âm đạo sau mãn kinh, chảy máu giữa các kỳ kinh, đau vùng chậu...
Phụ nữ dùng liệu pháp estrogen sau mãn kinh, uống nhiều thuốc tránh thai hoặc tamoxifen tăng nguy cơ mắc ung thư tử cung. Người có số chu kỳ kinh nguyệt nhiều (kỳ kinh đầu tiên ở tuổi 12, mãn kinh sau 50 tuổi), từng mắc ung thư buồng trứng, ung thư vú, hội chứng buồng trứng đa nang có nhiều khả năng mắc ung thư này. Tuổi sau mãn kinh, béo phì, từng xạ trị ung thư khác ở khung chậu, tiền sử gia đình mắc ung thư nội mạc tử cung hoặc ung thư đại trực tràng đều làm tăng nguy cơ ung thư tử cung.
Ung thư tuyến tiền liệt
Ung thư này phổ biến ở nam giới với các dấu hiệu cảnh báo sớm như: đau rát khi đi tiểu hoặc xuất tinh; đi tiểu thường xuyên, nhất là ban đêm; khó ngừng hoặc bắt đầu tiểu; rối loạn cương dương đột ngột; có máu trong tinh dịch hoặc nước tiểu.
Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt: trên 40 tuổi; tiền sử gia đình mắc ung thư tuyến tiền liệt, ung thư vú; cá nhân từng mắc ung thư vú; hút thuốc... Ung thư tuyến tiền liệt được chẩn đoán sớm có tỷ lệ sống sót sau 5 năm là 100%, nên việc tầm soát rất quan trọng. Theo Hiệp hội Ung thư Mỹ, nam giới từ 40-50 tuổi có nguy cơ cao mắc ung thư này, nên kiểm tra thường xuyên.
Ung thư tuyến giáp
Các triệu chứng cảnh báo bạn có thể mắc ung thư tuyến giáp như: mệt mỏi, khàn tiếng kéo dài, sưng hạch ở cổ, ho dai dẳng không phải do cảm lạnh, đau bắt đầu ở trước cổ lan đến tai, khó thở, khó nuốt. Nếu có bất kỳ cơn đau hoặc xuất hiện nốt cứng, u ở cổ cần đi kiểm tra loại trừ ung thư.
Ung thư phổi
Nhiều người thường bỏ qua các triệu chứng điển hình của ung thư phổi vì giống hậu quả của hút thuốc hoặc nhiễm trùng phổi. Các triệu chứng ban đầu của ung thư phổi: ho mãn tính kéo dài ít nhất 8 tuần; nhiễm trùng đường hô hấp thường xuyên và tái phát (viêm phế quản, viêm phổi), ho ra máu hoặc chất nhầy có máu, khó thở và thở gấp, giọng khàn, đau ở ngực.
Ung thư gan
Tỷ lệ sống sót sau 5 năm với ung thư gan thấp, chỉ 19,6%. Khi được chẩn đoán sớm, tỷ lệ sống sót sẽ là 34,2%. Dấu hiệu để nhận biết sớm bệnh gồm: đau bụng phải trên hoặc gần xương bả vai phải, gan to bên phải, lá lách to bên trái. Các triệu chứng khác cảnh báo ung thư gan: thường xuyên đầy hơi hoặc sưng bụng; vàng da (mắt); chán ăn, cảm giác no sau các bữa ăn nhỏ kéo dài; giảm cân ngoài ý muốn; buồn nôn và nôn, sốt, suy nhược và mệt mỏi liên tục.
Ung thư tuyến tụy
Khả năng sống sót tương đối sau 5 năm của ung thư này thấp, chỉ 10% cho tất cả trường hợp. Được chẩn đoán sớm, tỷ lệ sống sót sau 5 năm tăng lên 39,4%. Tuyến tụy nằm sâu trong cơ thể nên rất khó việc phát hiện sớm các khối u nhỏ. Dấu hiệu sớm của bệnh gồm: nước tiểu sẫm màu, da ngứa; ăn mất ngon, buồn nôn và nôn; đau vùng bụng trên lan ra sau lưng; túi mật sưng to; xuất hiện cục máu đông.
Ung thư thận
Tỷ lệ sống sót tương đối sau 5 năm của ung thư thận là 92,6% nếu được chẩn đoán sớm. Ung thư này thường có triệu chứng ban đầu như: đau thắt lưng dai dẳng hoặc áp lực ở một bên; khối u bên cạnh hoặc ở lưng dưới; mệt mỏi; chán ăn, giảm cân không rõ nguyên nhân; sốt dai dẳng không do nhiễm trùng; thiếu máu, sưng chân hoặc mắt cá chân. Nam giới bị ung thư thận, có thể xuất hiện cụm tĩnh mạch bị giãn xung quanh tinh hoàn.
Ung thư bàng quang
Các dấu hiệu ban đầu của ung thư bàng quang khá rõ ràng nên việc phát hiện sớm dễ dàng hơn các ung thư khác. Dấu hiệu sớm của ung thư này có thể gồm: có máu trong nước tiểu, đi tiểu nhiều hơn bình thường, đau hoặc rát khi đi tiểu, cảm giác luôn muốn đi tiểu dù bàng quang không đầy, khó đi tiểu hoặc dòng nước tiểu yếu, đi tiểu đêm nhiều lần.
Ung thư đại trực tràng
Bệnh có nhiều khả năng xảy ra ở người trên 50 tuổi. Các dấu hiệu ban đầu như: tiêu chảy, táo bón hoặc phân dẹt kéo dài nhiều ngày; luôn có cảm giác cần đi tiêu dài ngày; chảy máu trực tràng hoặc có máu trong phân; đau hoặc chuột rút ở bụng; suy nhược, mệt mỏi, giảm cân không lý do.
Bệnh bạch cầu
Bệnh bạch cầu thường không có các triệu chứng hoặc các triệu chứng phát triển âm thầm trong thời gian dài nên việc chẩn đoán sớm bệnh là rất hiếm. Một số dấu hiệu có thể cảnh báo mắc bệnh này: sốt, ớn lạnh; mệt mỏi, suy nhược; ăn mất ngon; đổ mồ hôi đêm; khó chịu ở bụng; nhức đầu; khó thở. Người bị thiếu máu, nhiễm trùng thường xuyên, giảm bạch cầu (tiểu cầu), sưng hạch bạch huyết, gan hoặc lá lách to có thể đã mắc bệnh bạch cầu, cầu kiểm tra.
Ung thư hạch không Hodgkin
Bệnh được chẩn đoán và điều trị trong giai đoạn đầu có tỷ lệ sống sót tương đối sau 5 năm là 83,5%. Các dấu hiệu ban đầu để nhận biết gồm: sự mở rộng của một hoặc nhiều hạch bạch huyết, gây ra khối u hoặc vết sưng dưới da; sưng bụng; sốt, ớn lạnh, đổ mồ hôi đêm; giảm cân; mệt mỏi. Các triệu chứng này không đặc hiệu, nên tầm soát thường xuyên để phát hiện bệnh sớm.
Ung thư da
Ung thư da (ung thư tế bào hắc tố) có tỷ lệ sống sót sau 5 năm là 99% nếu được phát hiện ở giai đoạn đầu. Các triệu chứng ban đầu cần chú ý gồm: u trên da thay đổi kích thước, hình dạng, màu sắc theo thời gian; vết thương lâu lành; vùng da khác màu ngày càng lan ra xung quanh; xuất hiện nốt sần sưng và có viền đỏ trên da; các nốt trên da ngứa, đau; nốt ruồi (u) có vảy, chảy nước, chảy máu.
Mai Cát
(Theo Very Well Health)