Nghiên cứu được công bố trên tạp chí The Lancet cho thấy dịch bệnh Covid-19 làm sức khỏe tinh thần của con người trở nên xấu đi. Tổ chức viện trợ quốc tế phi lợi nhuận CARE phát hiện ra rằng Covid-19 đã gây ra một cuộc khủng hoảng đối với sức khỏe tâm thần của phụ nữ. Trong đó, 27% phụ nữ cho biết họ gặp phải nhiều thách thức về tinh thần. Dưới đây là những rủi ro về sức khỏe mà các chị em sẽ gặp phải nếu thường xuyên căng thẳng.
Kinh nguyệt không đều
Khi lo lắng, cơ thể sẽ sản sinh cortisol (hormone căng thẳng). Sự thay đổi này sẽ khiến chu kỳ kinh nguyệt nhạy cảm, dẫn đến kỳ kinh diễn ra không đều, có thể là quá nhiều, quá ít hoặc ngừng hẳn. Một nghiên cho thấy căng thẳng có mối liên quan đáng kể đến mức độ đau bụng kinh ở phụ nữ. Những người bị stress có khả năng phải chịu những cơn đau bụng kinh dữ dội gấp 2-3 lần so với người bình thường.
Khô âm đạo
Căng thẳng cũng có thể dẫn đến nguy cơ mắc triệu chứng teo hoặc khô âm đạo, nhất là trong thời kỳ tiền mãn kinh. Bởi khi căng thẳng, lo lắng, lưu lượng máu đến âm đạo sẽ thay đổi và gây cản trở chất bôi trơn trong cơ thể, dẫn đến khô âm đạo. Từ đó dẫn đến những lần quan hệ tình dục trở đau, có thể chảy máu.
Giảm ham muốn tình dục
Gần gũi với bạn tình có thể mang lại sự thoải mái. Tuy nhiên, các chị em cũng có thể nhận thấy ham muốn tình dục sẽ giảm khi bạn căng thẳng. Theo các nhà khoa học, cuộc sống áp lực khiến các hormone liên quan đến căng thẳng như: cortisol, adrenaline và norepinephrine tích cực tăng lên. Trong khi đó, nồng độ testosterone giúp khơi dậy cảm xúc trong cơ thể của các chị em lại giảm xuống. Vì vậy, căng thẳng mạn tính có thể khiến ham muốn tình dục bị suy giảm, biến mất.
Tiết dịch khó chịu
Theo nghiên cứu ở Viện Bethesda (Mỹ) ghi nhận trên kết quả sau 4 lần khám phụ khoa của 3.614 phụ nữ trong độ tuổi từ 15 đến 44 cho thấy nguy cơ phát triển chứng viêm âm đạo sẽ tăng từ 10 đến 15%. Với những phụ nữ mắc bệnh phụ khoa, nguy cơ còn tăng đến 30%. Tác giả nghiên cứu giải thích, hiện tượng này do stress đã làm suy yếu hệ miễn dịch.
Sa vùng chậu
Tình trạng sa vùng chậu và tiểu không tự chủ có liên quan đến việc khung xương chậu bị căng thẳng, hoạt động quá mức. Theo các nhà khoa học, táo bón, đau khi quan hệ tình dục và đau lưng dưới là những dấu hiệu cho thấy các chị em đang mắc bệnh sa vùng chậu. Để khắc phục, phái đẹp hãy tìm đến các bài tập tác động thấp để tăng cường sức mạnh cho phần cốt lõi, xương chậu như kegel, squat,...
Huyền My (Theo Forbes)