Say rượu làm cho cơ thể bị mất nước, acetaldehyde tăng cao, huyết áp giảm do các mạch máu cung cấp cho não được mở rộng hơn. Hậu quả của giãn mạch máu trong đó có mạch máu não gây ra đau đầu, khó chịu. Nhiều người sau khi nhậu xỉn thường dùng thuốc giảm đau như paracetamol (acetaminophen) để khống chế cơn đau đầu.
TS.BS Nguyễn Thị Minh Đức - Trưởng Khoa Nội Thần kinh, Trung tâm Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết, gan chịu trách nhiệm chuyển hóa paracetamol và rượu. Uống quá nhiều rượu và paracetamol cùng lúc làm gan phải hoạt động nhiều hơn, có thể dẫn đến tác dụng phụ nguy hiểm. Riêng paracetamol có thể gây độc cho gan (nhiễm độc gan) nếu dùng quá liều. Nhiễm độc trong trường hợp này có thể gây ra suy gan cấp tính.
Bác sĩ Minh Đức giải thích, paracetamol được chuyển hóa theo hai cách. Đầu tiên, cơ thể xử lý khoảng 90% thuốc thông qua một quá trình gọi là glucuronidation. Quá trình này không tạo ra bất kỳ sản phẩm phụ nguy hiểm nào. Thứ hai, thuốc sẽ phá vỡ 5-10% men gan CYP2E1 trong quá trình chuyển hóa. Quá trình này tạo ra một loại độc tố gọi là NAPQI. Đáp lại gan tạo ra một chất chống oxy hóa gọi là glutathione mà cơ thể sử dụng để loại bỏ chất độc trước khi nó có thể tích tụ và gây tổn thương gan. Khi rượu đi vào gan, làm tăng hoạt động của CYP2E1, do đó, cơ thể tạo ra nhiều độc tố NAPQI hơn.
Rượu cũng làm giảm sản xuất glutathione, có nghĩa là NAPQI có nhiều khả năng tích tụ trong gan ở nồng độ nguy hiểm. Quá liều paracetamol có thể gây tổn thương gan cấp tính, suy gan và tử vong trong những trường hợp nghiêm trọng.
Uống paracetamol với liều lượng cao hoặc cùng với rượu có thể gây ra một số tác dụng phụ như đau, chảy máu hay loét dạ dày; tổn thương gan; nhịp tim nhanh. Nguy cơ tác dụng phụ nghiêm trọng này có thể cao hơn đối với những người mắc chứng rối loạn sử dụng rượu. Tổn thương có thể làm giảm khả năng thực hiện các chức năng quan trọng của gan. Cơ quan này không chỉ lọc chất độc ra khỏi máu mà còn hỗ trợ quá trình đông máu và đóng vai trò thiết yếu trong quá trình tiêu hóa thức ăn.
Các triệu chứng tổn thương gan bao gồm vàng da, vàng mắt; đau ở phía trên bên phải của bụng hoặc dưới lồng ngực, sưng bụng, buồn nôn và ói mửa, đổ quá nhiều mồ hôi, chán ăn, mệt mỏi, bầm tím bất thường hoặc chảy máu dưới da.
Lưu ý dùng thuốc đúng cách
Bác sĩ Minh Đức cho biết, cách giảm nguy cơ tổn thương gan là dùng paracetamol không quá 3.000 mg trong một ngày hoặc 650-1.000 mg sau 4-6 giờ. Người lớn trước khi uống thuốc nên kiểm tra các loại thuốc sử dụng xem chúng có chứa paracetamol không. Vì có nhiều trường hợp người bệnh uống nhiều thuốc mà các thuốc này phối hợp thêm paracetamol trong thành phần dẫn đến quá liều không biết.
Uống rượu trong khi dùng paracetamol nói chung cũng không nên. Đau đầu do rượu sẽ từ từ khỏi sau khi cơ thể đã thải trừ hết rượu. Trường hợp đang mắc bệnh phải sử dụng thuốc (ngay cả không phải paracetamol) thì cũng không nên uống rượu. Lý do vì có nhiều thuốc có tương tác với đồ uống có cồn, nhất là những thuốc chuyển hóa qua gan. Nếu cần thiết phải sử dụng paracetamol để điều trị bệnh sau khi uống rượu thì bạn dùng thuốc theo lời khuyên và không vượt quá liều khuyến cáo.
Bác sĩ Minh Đức cho biết, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) hiện yêu cầu paracetamol được bán ở Mỹ phải được dán nhãn cảnh báo rằng, nếu uống 3 ly rượu trở lên mỗi ngày (khoảng 75 ml) cần hỏi bác sĩ xem có nên dùng paracetamol hoặc các loại thuốc giảm đau hoặc hạ sốt khác hay không. Canada cũng đã đưa ra cảnh báo về khả năng tổn thương gan ở người nghiện rượu nặng uống quá liều khuyến cáo paracetamol.
Khi bị đau đầu do rượu, bia, người uống rượu nên tìm cách để giảm đau như uống nhiều nước, nhất là nước chanh để bổ sung vitamin C và chất điện giải, hạn chế tác động của chất cồn lên các dây thần kinh. Nôn ói để đào thải nhanh lượng lớn rượu, bia ra khỏi cơ thể. Ăn cháo loãng hoặc súp nóng giúp bổ sung muối natri và kali, cơ thể hồi phục nhanh.
Bình An