Trả lời
Béo phì là bệnh mạn tính phức tạp do nhiều yếu tố gây ra như thói quen, di truyền và môi trường. Các mô mỡ được xem là cơ quan nội tiết bởi nó tạo ra các nội tiết tố như lepin, estrogen, resitin... Các nội tiết tố phản ứng với hormone gây rối loạn chuyển hóa, bao gồm cả bệnh tiểu đường, khiến khó kiểm soát đường huyết.
Chỉ số BMI có mối quan hệ chặt chẽ với bệnh tiểu đường và tình trạng kháng insulin. Ở người béo phì, các nồng độ các chất như glycerol, hormone, cytokine bị ảnh hưởng làm tăng tình trạng kháng insulin. Cơ chế bệnh sinh của bệnh tiểu đường do các tế bào đảo beta tuyến tụy bị suy yếu, khiến lượng đường trong máu khó kiểm soát.
Người bệnh tiểu đường khó kiểm soát đường huyết hơn nếu gặp tình trạng suy yếu tế bào beta tuyến tụy và kháng insulin. Do đó, điều trị tiểu đường ở người thừa cân, béo phì gặp nhiều thách thức trong kết hợp và lựa chọn thuốc điều trị.
Dư thừa chất béo cũng làm bệnh tiểu đường trở nên trầm trọng hơn. Bởi béo phì là yếu tố nguy cơ khiến người tiểu đường dễ mắc các biến chứng về tim mạch, thận, viêm khớp, ngưng thở khi ngủ...
Bạn vừa mắc bệnh tiểu đường vừa béo phì độ hai nên chú ý kiểm soát đường huyết ổn định thông qua điều chỉnh chế độ ăn uống lành mạnh. Tái khám định kỳ và tuân thủ điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ.
Giảm ít nhất 5-10% trọng lượng cơ thể góp phần cải thiện bệnh tiểu đường type 2. Người bệnh có thể tham khảo các cách giảm cân như cắt giảm lượng calo và chất béo nạp vào, duy trì hoạt động thể chất mỗi ngày, ăn sáng đều đặn, theo dõi cân nặng mỗi tuần, giảm thời gian xem thiết bị điện tử.
Có 4 cách để đánh giá thừa cân, béo phì gồm dựa theo cân nặng, chiều cao; đo vòng bụng; đo lớp mỡ dưới da; đo phân bổ mỡ trong cơ thể bằng phương pháp Dexa hấp thụ tia X năng lượng kép. Trong đó, đo BMI dựa trên cân nặng và chiều cao cơ thể là cách dễ thực hiện, độ tin cậy cao. Ở người Đông Nam Á, người chỉ số BMI từ 23 đến 24,9 là thừa cân, người béo phì có BMI từ 25 trở lên.
Người bệnh tiểu đường bị béo phì có thể đến khoa Nội tiết - Đái tháo đường để bác sĩ Nội tiết, Dinh dưỡng, Y học thể thao tư vấn kế hoạch giảm cân hiệu quả.
Bác sĩ Nguyễn Thị Kim Tuyền
Khoa Nội tiết - Đái tháo đường
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiểu đường tại đây để bác sĩ giải đáp |