Carbohydrate (carb) là chất dinh dưỡng quan trọng cho cơ thể. Trong quá trình tiêu hóa, cơ thể phân hủy carb thành đường glucose. Sau đó, glucose đi vào máu và được insulin xử lý đưa đến các tế bào để cơ thể sử dụng làm năng lượng. Tuy nhiên, ở người mắc bệnh tiểu đường, glucose vẫn ở trong máu (do insulin không sản xuất đủ hoặc hoạt động không hiệu quả), có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng do lượng đường trong máu cao. Quản lý lượng carb hợp lý là một phần quan trọng trong kế hoạch điều trị bệnh tiểu đường.
Cách tốt để xác định lượng carb lý tưởng là kiểm tra đường huyết trước và sau khi ăn. Nếu đường huyết nằm trong phạm vi mục tiêu hai giờ sau bữa ăn, việc tiêu thụ carb của bạn đang hiệu quả. Nếu cao hơn, bạn cần phải điều chỉnh kế hoạch bữa ăn.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ, người bệnh tiểu đường nên nhận khoảng 50% lượng calo từ carb mỗi ngày. Ví dụ một người ăn 1.600 calo mỗi ngày nên ăn 800 calo từ carb. Mục tiêu carb là 45-60 g mỗi bữa ăn chính hoặc ít hơn và 15-30 g mỗi bữa ăn nhẹ hoặc ít hơn. Nhãn dinh dưỡng trên thực phẩm đóng gói thường liệt kê lượng carb mỗi khẩu phần. Nếu thực phẩm không có nhãn, bạn nên tham khảo các ứng dụng (nhập các loại thực phẩm, kích cỡ khẩu phần) và cách tính lượng carb trên internet để tìm lượng carb gần đúng.
Ăn bữa sáng ít carb, giàu chất béo và protein có thể cải thiện cân nặng, giảm lượng đường trong máu. Ăn bữa trưa giàu chất xơ với nhiều rau và ngũ cốc nguyên hạt giúp duy trì sức khỏe suốt buổi chiều. Một bữa tối với protein nạc, rau xanh và một phần carb phức hợp giàu chất dinh dưỡng, tạo cảm giác no lâu.
Dưới đây là kế hoạch bữa ăn mẫu cung cấp khoảng 45-60 g carb mỗi bữa ăn chính và 15 -30 g carb mỗi bữa ăn nhẹ, người bệnh có thể tham khảo.
Bữa ăn sáng: 3 quả trứng với 2 lát bánh mì ngũ cốc nguyên hạt, xà lách, cà chua (30 g); một miếng trái cây nhỏ (15 g). Tổng carb là 45 g.
Bữa trưa: Salad xà lách, dưa chuột, cà rốt, 1/4 quả bơ (5 g); một chén súp đậu ít muối (30 g); 3 chén bỏng ngô (15 g). Tổng carb là 50 g.
Bữa ăn nhẹ xế chiều: Một quả táo nhỏ (15 g), một muỗng canh bơ đậu phộng (3 g). Tổng lượng carbo là 18 g.
Bữa tối: 114 g cá hồi nướng (0 g), một chén măng tây nướng với 1/2 chén đậu (20 g), một củ khoai lang lớn (35 g). Tổng carb là 55 g.
Bữa ăn nhẹ sau bữa tối: Một hộp sữa chua không béo hoặc không đường (7 g), 3/4 chén quả mọng như dâu tây, việt quất, nho... (15 g). Tổng carb là 22 g.
Người tiểu đường nên kết hợp tiêu thụ carb với protein và chất béo làm chậm quá trình hấp thụ glucose vào máu, tránh tăng đường huyết đột biến. Bạn nên chọn carb phức hợp thay cho carb tinh chế để làm chậm quá trình tiêu hóa, nhờ đó ngăn ngừa tăng đường huyết.
Carb tinh chế là nguồn thực phẩm đã được chế biến sẵn và đóng gói, bị loại bỏ các chất dinh dưỡng như chất xơ, folate và sắt gồm bánh mì trắng, bánh quy, mì gạo, mì ống, gạo trắng... Carb phức hợp là loại tinh bột chứa nhiều chất dinh dưỡng và chất xơ hơn carb đơn giản, được tiêu hóa chậm hơn tạo cảm giác no lâu hơn. Ví dụ carb phức hợp là gạo lức, yến mạch, trái cây, rau...
Hiệp hội Tim Mạch Mỹ khuyến nghị, mọi người không tiêu thụ quá 6-10% lượng calo từ đường bổ sung. Cụ thể, không quá 6 thìa cà phê hoặc 25 g đường bổ sung cho phụ nữ, không quá 9 thìa cà phê hoặc 37,5 g cho nam giới trưởng thành.
Mai Cat
(Theo Very Well Health)