Theo khảo sát của VnExpress, sau hai đợt Covid-19, giá thuê nhà phố mặt tiền tại TP HCM được chào mức giảm phổ biến 15-25%, trong khi giảm mạnh nhất 30-40% so với cùng kỳ năm 2019. Điều đó khiến nhà mặt phố đánh mất thế thượng phong, lép vế hoàn toàn so với các trung tâm mua sắm. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn tới xu hướng đảo chiều này? Dịch bệnh có thể là một phần khiến sức mua giảm, kéo theo giá thuê nhà mặt phố cũng bị tụt theo. Tuy nhiên, nếu nhìn vào nguyên nhân sâu xa, việc kinh doanh mặt tiền thất thế là hệ quả tất yếu đã được dự báo từ lâu.
Dạo qua nhiều con phố lớn ở Hà Nội, TP HCM, không khó để nhận thấy hầu hết các nhà ở mặt đường đều kinh doanh đủ các loại mặt hàng tạp nham. Chính vì thế mà "nhà mặt phố" vốn luôn giữ được giá cao dù thị trường bất động sản có lúc đóng băng. Hình ảnh người dân đi xe máy tạt vào những cửa hàng ngay mặt đường, mặt phố để ăn uống hay mua sắm... đã rất quen thuộc với cuộc sống của người dân Việt Nam.
>> Cấm xe máy
Thế nhưng, khi mà lưu lượng phương tiện cá nhân tăng lên chóng mặt mỗi ngày ở các thành phố lớn gây tình trạng tắc đường liên miên, công thêm việc vỉa hè bị lấn chiếm quy mô lớn, việc người ta táp xe vào một cửa hàng bên đường để mua sắm sẽ càng là chuyện khó. Thay vào đó, số đông sẽ lựa chọn vào một trung tâm thương mại với hầm để xe rộng rãi, an toàn, không lo chen lấn trên vỉa hè, và thoải mái mua sắm, vui chơi, giải trí. Sự cộng hưởng từ nhiều phía khiến kinh doanh mặt tiền dần đánh mất lợi thế (tiện lợi) của mình. Đây mới chính là gốc rễ của cuộc chuyển đổi xu hướng mua sắm của người dân.
Do đó, để kéo lại cán cân cho kinh doanh mặt tiền, thứ cần làm là hạn chế phương tiện cá nhân, cụ thể là cấm xe máy (thành phần chiếm đa số trong giao thông Việt Nam). Giảm xe máy, đường sẽ thông, hè sẽ thoáng, cơ hội sẽ trở lại với những cửa hàng mặt đường.
Quá tải phương tiện cá nhân, trong đó có đa số là xe máy đã và đang gây áp lực rất lớn lên phát triển hạ tầng giao thông, phương tiện công cộng ở Việt Nam. TP HCM hiện có 8,94 triệu phương tiện cá nhân, tăng gần 7% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, thành phố có hơn 825.000 ôtô (tăng gần 16%) và 8,12 triệu xe máy (tăng hơn 6%). Như vậy, bình quân mỗi tháng có tới 30.000 phương tiện cá nhân được đăng ký mới, tốc độ phát triện hạ tầng giao thông đô thị đương nhiên không thể theo kịp. Hệ quả, tình trạng tắc đường xảy ra liên miên và ngày càng thêm trầm trọng tại các đô thị lớn.
Nhưng cấm xe máy thì những người kinh doanh phải làm sao? Nghe thì có vẻ bất khả thi vì chúng ta vốn giữ định kiến kinh doanh mặt tiền phải gắn liền với xe máy, sống nhờ xe máy. Nhưng hãy thử hình dung nhóm khách hàng chủ yếu kia chuyển sang đi xe buýt thì sao? Tất nhiên, cấm xe máy luôn phải đi kèm với phát triển, hoàn thiện hệ thống giao thông công cộng. Các hộ kinh doanh mặt tiền sẽ không thể sinh tồn nếu các trạm xe buýt, ga tàu điện ở cách xa tới hàng km. Ngược lại, nếu có thể cung cấp cho người dân dịch vụ giao thông công cộng thuận tiện, một bước tới nơi việc người ta chọn đi xe buýt để mua sắm sẽ không phải chuyện viễn tưởng.
Muốn vậy, cơ quan chức năng cần chỉ rõ, nếu không có xe máy nữa thì xe buýt công cộng, taxi trợ giá, metro... sẽ đảm bảo được việc đi lại của người dân như thế nào? Có như vậy, chúng ta mới nhận được sự đồng lòng, chung sức của đại đa số người dân.
Nhiều đô thị lớn trên thế giới như Tokyo (Nhật Bản), Bắc Kinh, Thượng Hải (Trung Quốc) hay Yangon (Myanmar)... đã thành công trong việc cấm xe máy để giảm ùn tắc giao thông. Thế nhưng, kinh doanh mặt tiền ở họ vẫn không hề "chết yểu". Thậm chí, việc không còn xe máy còn giúp các đô thị này quy hoạch nên những con phố chuyên kinh doanh, buôn bán, thu hút lượng lớn khách du lịch đến tham quan, mua sắm, từ đó phát triển kinh tế, đảm bảo một cuộc sống văn minh, hiện đại.
Kinh doanh mặt tiền ở Sài Gòn, Hà Nội, tưởng là đang sống nhờ vào người đi xe máy, nhưng thật ra chính xe máy đang làm hại loại hình này. Phố thị kẹt xe, khói bụi nhếch nhác, mệt mỏi khiến nhiều người chuyển vào mua sắm ở siêu thị mát lạnh, văn minh. Các nhà chức trách, hoạch định giao thông đô thị liệu đã nhìn ra?
Tất nhiên, không thể mơ mộng rằng ngay ngày mai, mở mắt ra, chúng ta có thể dẹp bỏ được ngay hàng chục triệu xe máy cá nhân. Muốn làm được điều đó, chúng ta có có những quy hoạch đồng bộ, đòi hỏi sự hợp tác từ cả phía người dân lẫn các cơ quan, ban, ngành.
Tóm lại, để giảm ùn tắc giao thông vốn đã tồn tại hàng chục năm qua, chúng ta không thể dùng từng giải pháp riêng lẻ, mà cần có cái nhìn toàn diện, áp dụng các giải pháp đồng bộ. Làm được điều đó, viễn cảnh về một tương lai Hà Nôi, TP HCM không xe máy, không tắc đường sẽ hoàn toàn nằm trong tầm với.
Bảo Nam
>> Bạn có đồng tình với quan điểm trên? Gửi bài tại đây. Ý kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.