Gần đây, tôi thấy người ta lại râm ran tranh luận quanh câu chuyện không mới nhưng chưa bao giờ cũ "cấm xe máy, xe thô sơ". Và số người phản đối dường như vẫn chiếm phần đông. Tôi đọc rất nhiều ý kiến bình luận, người cho rằng "dân Việt còn nghèo, cấm xe máy rồi lấy gì làm ăn sinh sống?"; người chất vấn "cấm xe máy, dân chuyển sang đi ôtô thì sao?"; người thì đổ lỗi "vì giao thông công cộng chưa phát triển nên làm sao bỏ được xe máy"; có người thậm chí còn gay gắt nói "cấm xe máy là tư duy của người giàu"... Nói chung, người ta có muôn vàn lý do khác nhau để chỉ trích đề xuất này.
Một điểm chung dễ thấy ở các ý kiến phản đối trên là hầu hết đều chỉ nhắm vào những hạn chế, hệ lụy tiêu cực mà không hề quan tâm hay công nhận những lợi ích có được. Họ đứng trên góc độ lợi ích cá nhân, trên tư tưởng lập trường của những người đang gắn liền với chiếc xe máy để bảo vệ quyền lợi của chính mình, nhiều hơn là hành động vì cái chung.
Tôi có một anh bạn, ấp ủ dự định mở một nhà hàng từ rất lâu. Thời ấy, cả con phố chưa một ai kinh doanh mặt hàng này. Ấy thế như, anh cứ quanh quẩn mãi với những suy nghĩ, kế hoạch của riêng mình mà chẳng thể nào bắt tay vào thực hiện được. Tôi hỏi anh "đã quyết rồi sao không làm đi?".
Anh đáp: "Cũng muốn lắm, nhưng còn vốn thì sao? Tình của mình thì không đủ, còn vay mượn thì khác nào tự biến mình thành con nợ. Liệu có lãi không, có bị cạnh tranh không? Nhỡ may làm ăn thất bại rồi tiền đâu để trả?". Cứ vậy, anh khất lần khất lượt nhiều tháng, nhiều năm. Và rồi, khi con phố bắt đầu mọc lên một, hai, rồi cả chục cửa hàng cạnh tranh, anh nhận ra mình đã lỡ mất cơ hội.
>> 'Cấm xe máy trước, hạn chế ôtô sau'
Chuyện cấm xe máy hay xe thô sơ cũng vậy. Nếu chỉ nhìn vào những rủi ro, những hạn chế để rồi không dám làm, bàn lùi, thì mãi mãi chúng ta sẽ chỉ dậm chân tại chỗ.
Tôi nghĩ thế này, cứ cho rằng giờ ta cấm xe máy, một bộ phận người dân sẽ chuyển sang đi ôtô (vì mức thu nhập của nhiều người ở thành phố không hề nhỏ). Đường phố khi ấy có thể sẽ tắc, thậm chí tắc hơn bây giờ. Nhưng chính vì sự bất tiện ấy, người ta sẽ dần chuyển hướng sang xe buýt, tàu điện, Metro...
Khi ấy, các loại hình vận tải công cộng sẽ dễ sinh lời hơn bây giờ. Mặt khác, tốc độ phát triển của công nghệ khoa học kỹ thuật khi có bàn tay tư nhân tham gia sẽ sớm đưa giao thông công cộng bắt kịp với tốc độ gia tăng dân số. Hạ tầng đô thị lúc đó sẽ được giải phóng, phát triển để phù hợp với nhu cầu, bài toán giao thông công cộng cũng sẽ tìm được lời giải. Đó là cách mà các nước phát triển đã thực hiện và thành công trước chúng ta hàng chục, hàng trăm năm.
Nhìn về mặt an ninh - trật tự, những chuyện cướp giật, trộm cắp, tai nạn, vi phạm giao thông, các tệ nạn xã hội... cũng rất nhiều từ xe máy mà ra. Khi không còn bóng dáng xe máy trên đường, tự nhiên chúng ta bớt hẳn đi một nỗi lo, giảm tải được phần lớn nguồn lực và vật lực cho công tác giữ gìn an ninh - trật tự, xã hội bớt hẳn đi một khoản chi lớn. Điều đó chẳng phải được nhiều hơn mất sao?
Ai cũng muốn Hà Nội, TP HCM phát triển, văn minh, hiện đại như London, Tokyo, New York, Paris... nhưng cứ hễ đề cập đến chuyện từ bỏ xe máy thì lại ào ào phản đối chỉ vì hai chữ "bất tiện". Điều đó cũng giống như việc bạn muốn thành phố phủ đầy các khu căn hộ cao cấp thì phải chấp nhận bỏ đi các khu nhà ở xã hội giá rẻ, các khu ổ chuột nhếch nhác. Cái khó, cái nghèo không thể cứ đem ra làm cớ để kìm hãm sự phát triển của xã hội.
Tôi viết những dòng chia sẻ này sau khi hì hụi dắt chiếc xe máy đời cũ đã gắn bó với mình hơn chục năm nay vào nhà. Đó gần như là thứ tài sản lớn nhất trong nhà tôi. Nếu thành phố cấm xe máy, tôi chẳng biết mình sẽ đi bằng gì khi ôtô thì đương nhiên không đủ tiền mua nổi. Có điều, khi chấp nhận bỏ đi những cái cũ, cái lạc hậu, tôi tin cơ hội mới sẽ đến. Chúng ta rồi sẽ tìm ra hướng đi, lối thoát, nếu sẵn sàng thay đổi ngay từ lúc này.
>> Bạn nghĩ sao về vấn đề này?Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.