Nhiều người bảo lương thấp thì nghỉ việc. Đến khi người kém tài năng đảm nhiệm chức vụ đó thì lại nói sao không tuyển ai có năng lực để làm.
Hai năm trước mẹ tôi phải dạy một lớp gần 70 học sinh ở cấp mẫu giáo vì trường thiếu tận bốn giáo viên mà tuyển dụng ba năm rồi chưa có ai đăng ký. Số học sinh đông là do trường nằm giữa hai khu công nghiệp.
Bây giờ tình hình đã đỡ hơn trước vì có ba giáo viên và hai giáo viên nghỉ hưu vào làm nên sĩ số lớp đã giảm đáng kể gần 55 học sinh một lớp.
>> 'Lương không đủ sống, sao tuyển được giáo viên giỏi?
Giáo viên muốn lương trên 5 triệu một tháng tháng phải công tác trên 15 năm và có bằng cử nhân chuyên ngành và đạt đến khung 4,99 x 1.490.000 đồng thì chỉ còn cách thời gian nghỉ hưu từ 3 - 7 năm (tùy thuộc vào bằng cấp và thời gian vào nghề của giáo viên đó).
Vậy trong khoảng thời gian đạt hai mốc lương đó thì có rất nhiều năm phải nhận lương thấp, trừ các môn chủ đạo có thể (phụ thuộc vào khu vực đặc thù) nhận dạy thêm thì giáo viên các môn phụ, giáo viên mầm non không dạy thêm được thì bắt buộc phải làm thêm nghề, đa số là nhận bán hàng online.
Nhưng khi nghề tay trái kiếm tiền cao hơn nghề chính thì việc quan tâm, đầu tư chất xám cho nghề chính sẽ giảm, và nghề chính - nghề phụ sẽ dần hoán đổi vị trí cho nhau. Bên chịu thiệt vẫn là học sinh và nền giáo dục nước nhà mà thôi.
Để có lương cao đủ sống mà không dạy thêm chỉ có đạt Chức danh nghề nghiệp Hạng II. Điều đó là rất khó khăn vì hạng II chỉ tiêu là 15% trên tổng số giáo viên và BGH của trường và phải có cống hiến 10 năm trở lên + thành tích đạt cấp tỉnh trở lên.
>> Nếu là học sinh giỏi, tôi sẽ không chọn ngành sư phạm
Chẳng có giáo viên nào được nghỉ hè suốt mà hưởng lương như nhiều người nghĩ. Mẹ tôi vẫn phải vào trường lo sổ sách, trực trường, học tập huấn, học module, giải quyết dứt điểm tồn đọng trong năm học cũ, chuẩn bị cho năm học tiếp theo.
Thứ bảy hàng tuần thì ngoài họp hội đồng, họp chuyên môn, họp tổ, đến nhà vận động con em ra lớp (số rất ít) thì các cấp THCS, THPT vẫn còn thực hiện dạy và học mà.
Lương thấp thì phải đấu tranh để được nâng lương. Ngành nào cũng có quyền đấu tranh cả. Không thể cứ các ngành đều có quyền đòi tăng lương mà lại trừ ngành giáo dục, y tế, viên chức trong các đơn vị nhà nước ra cả. Mọi ngành nghề đều có cái khỏe và không khỏe đặc thù của riêng ngành đó, nếu ngành nào mà sướng 100% thì chỉ có trông mơ thôi.
Rubi
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.