Dong Yuhui trở thành gia sư tiếng Anh của Tập đoàn Giáo dục và Công nghệ New Oriental ngay sau khi tốt nghiệp đại học. Hiện sau tám năm dạy cho khoảng 500.000 lượt học sinh, Dong, 28 tuổi, làm công việc của một người livestream bán nông sản.
"Thật không dễ dàng để quyết định làm công việc này vì tôi đam mê dạy học và rất giỏi trong lĩnh vực của mình", Dong nói.
Nghỉ hè và nghỉ đông từng là thời điểm bận rộn nhất của các gia sư, vì thế vài năm qua, Dong không về nhà dịp Tết nguyên đán. Có năm, phụ huynh mời Dong tới nhà ăn tất niên nhưng anh từ chối. Hôm sau, vào ngày đầu năm mới, họ mang bánh bao tự làm tới để bên ngoài lớp học.
"Tôi đã vừa ăn bánh bao vừa khóc. Mặc dù rất mệt khi phải dạy các lớp gần 12 tiếng một ngày trong các kỳ nghỉ, sự đánh giá cao của học sinh và phụ huynh là đủ hài lòng", Dong chia sẻ.
Hai năm sau khi gia nhập công ty giáo dục tư nhân, Dong trở thành trưởng nhóm nghiên cứu giảng dạy tiếng Anh chi nhánh Tây An, tỉnh Thiểm Tây, của New Oriental. Năm 2019, Dong chuyển tới Bắc Kinh và được thăng chức lên trưởng khoa tiếng Anh ở Koolearn, nhánh chuyên về giáo dục trực tuyến của New Oriental.
Thế nhưng cuối năm ngoái, Dong chuyển việc mới, làm livestreamer tại Dongfang Zhenxuan, nền tảng phát trực tiếp của Koolearn, sau khi chính phủ nước này siết chặt dạy thêm.
Tuân thủ chính sách "giảm kép" của chính phủ, New Oriental đã chấm dứt hoạt động dạy kèm cho học sinh vào cuối năm ngoái. Trong một bài đăng gần đây trên WeChat, Yu Minhong, người sáng lập và chủ tịch của New Oriental, thông báo đã sa thải hơn 60.000 nhân viên. Ông cho biết, các khoản thanh toán thôi việc, hoàn học phí và chi phí cho các hợp đồng thuê nhà lên tới gần 20 tỷ nhân dân tệ (3 tỷ USD).
Hầu hết nhân viên trong bộ phận cũ của Dong đã nhận trợ cấp thôi việc và rời khỏi công ty. "Tôi không có thời gian để thấy có lỗi với bản thân. Tôi cảm thấy xấu hổ khi rất nhiều đồng nghiệp bị mất việc mà không thể làm gì được", Dong nói.
Dong giải thích, anh ở lại vì muốn làm điều đúng đắn, giúp nông dân bán sản phẩm. Anh sinh ra tại một ngôi làng ở Thiểm Tây và cảm thấy có nghĩa vụ đóng góp vào sự sống còn của nông thôn.
Trở thành một người bán hàng trực tiếp trên mạng khó hơn Dong tưởng tượng. "Có những lời công kích cá nhân về ngoại hình của tôi, những lời phàn nàn từ người đã mua cổ phiếu của công ty (Koolearn) và bị mất tiền", anh kể.
Anh tự nhủ phải tập trung giải thích những câu chuyện đằng sau sản phẩm và người nông dân chứ không để ý đến những bình luận tiêu cực. Tuy nhiên, điều đó không dễ. Dong thấy thật đáng tiếc nếu từ bỏ một cách dễ dàng, trong khi nguyện vọng ban đầu của anh - giúp đỡ những người nông dân - vẫn không thay đổi.
"Tôi vẫn tự tin về tương lai của mình. Bất cứ khi nào tôi cảm thấy quá khó để tiếp tục, tôi đều đi bộ hoặc đọc sách", Dong nói.
Từ gia sư toán thành mẹ bỉm sữa
Cuối năm ngoái, 10 năm làm gia sư toán và nhà nghiên cứu giảng dạy của Zhang Limei tại Tập đoàn Giáo dục TAL kết thúc một cách đột ngột. Zhang giờ là bà mẹ toàn thời gian, chăm sóc hai đứa con. Con lớn của cô học tiểu học, còn cậu con trai nhỏ mới hai tuổi.
Zhang đã tính nghỉ dạy để chăm con nhưng đam mê công việc nên vẫn đi làm đến trước lúc sinh con thứ hai vài ngày. Công ty cô bắt đầu sa thải nhân viên vào cuối tháng 8 năm ngoái. "Thật khó khăn với tôi khi phải nói lời tạm biệt. Tôi đã có rất nhiều kỷ niệm đẹp ở công ty", Zhang nhớ lại.
10/9 là Ngày Nhà giáo ở Trung Quốc, đồng nghiệp của Zhang đã cùng nhau kỷ niệm sự kiện cuối cùng của họ với tư cách một đội. Nhiều người bật khóc vì biết rằng họ sẽ khó gặp lại nhau.
Kể từ khi rời công ty, Zhang tập trung phần lớn thời gian vào việc chăm đứa con nhỏ và đưa đón con lớn đi học.
Hy vọng tan biến
Teng Ya'nan lưu nhiều ảnh và video về học sinh cũ trong điện thoại. Teng yêu công việc dạy học tại 51 Talk, một nền tảng dạy tiếng Anh trực tuyến. Môi trường làm việc ở đây tốt, các gia sư đều ở độ tuổi ngoài 20 như anh. Teng cũng hài lòng với mức lương kiếm được. Anh hy vọng công ty sẽ đưa ra thay đổi phù hợp với yêu cầu của chính phủ để anh có thể tiếp tục làm giáo viên, nhưng hy vọng đó không thành hiện thực.
Teng gia nhập công ty tại Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, vào năm 2017 và rời đi vào đầu tháng 11 năm ngoái. "Trong vài ngày đầu tiên sau khi thôi việc, tôi cảm thấy rất hạnh phúc vì có thể tận hưởng một chút thời gian rảnh rỗi", Teng nói. "Tuy nhiên, sự lo lắng và buồn chán bắt đầu xuất hiện khi thời gian trôi qua".
Anh phải trả tiền thuê căn nhà hiện tại và khoản thế chấp cho căn hộ đã mua ở Vũ Hán. Ở nhà một tháng, Teng bắt đầu tìm kiếm việc mới nhưng không dễ.
Sau khi nộp hồ sơ cho hàng chục công ty và được một số nơi phỏng vấn, Teng quyết định làm nhà tư vấn săn đầu người cho các công ty quốc tế. Công việc đòi hỏi trình độ tiếng Anh cao.
"Mức lương hiện tại thấp hơn trước nhưng tôi phải chốt vì đó là lựa chọn tốt nhất tôi có", Teng nói.
Bình Minh (Theo China Daily)