Nhiều người khẳng định chắc nịch 100% phụ huynh không muốn cho con em học thêm. Tôi nghĩ nói như vậy là sai. Vấn đề học thêm và dạy thêm cần được nhìn nhận từ hai khía cạnh. Học thêm vì cái gì và dạy thêm vì cái gì? Vì thêm thu nhập là chính hay vì muốn bồi dưỡng thêm cho học sinh là chính? Vì muốn ôn tập hay vì bị ép buộc?
Dù thầy có giỏi đến đâu thì cũng khó có thể dạy cho tất cả học sinh trên lớp hiểu hết được bài. Có em học tốt, có em tiếp thu chậm. Khi đó nếu dạy thêm các em học chậm để các em hiểu bài hơn là cần thiết. Những em học yếu cần bổ sung và rèn luyện lại thì học thêm là cần thiết.
>> Lương 3,7 triệu đồng không dạy thêm tiền đâu sống?
Còn vế thứ hai thì quá đúng. Nếu nhìn vào đề thi đại học sẽ thấy kiến thức sách giáo khoa chỉ là 50% còn lại là kiến thức nâng cao ngoài sách. Nếu không học thêm khó mà thi được điểm cao. Mỗi khi có em thủ khoa khi được phỏng vấn đều nói "em chỉ học sách giáo khoa, em chỉ học đến 11h còn em phụ việc cho gia đình...", tôi không tin điều này.
Những em nào thủ khoa mà không học thêm, không ôn luyện, thậm chí cả chủ nhật cũng học, nếu chỉ học sách giáo khoa và học ôn trên lớp 7 điểm, 8 điểm là cao lắm rồi.
Không phải vì học trên lớp không tốt nên cần học thêm mà chương trình quá nhiều. Nếu chỉ học trên lớp thì làm gì có thời gian ôn luyện. Cứ đúng như giáo án và phân phối chương trình thì một học kỳ có vài tiết chữa bài tập. Liệu có đủ không?
Cho nên để bớt học thêm, dạy thêm cần nâng lương cho giáo viên và giảm tải chương trình học. Không chỉ giáo viên mầm non mà các giáo viên cấp khác cũng phải được tăng.
Muốn nâng cao chất lượng giáo dục, muốn bỏ tình trạng dạy thêm tràn lan thì đầu tiên phải đảm bảo cho giáo viên một mức lương đủ sống.
>> 'Sợ thua kém, nhiều phụ huynh đã biến con mình thành robot học thêm'
Chứ một tay dạy học, một tay vẫn phải đi làm thêm để tăng thu nhập thì sao tránh khỏi tình trạng dạy thêm học thêm. Hiện nay trừ một số giáo viên dạy môn chính có thu nhập tốt từ việc ôn thi, dạy ôn tập thì cơ bản lương giáo viên vẫn thấp. Do đó tình trạng giáo viên phải đi buôn bán online rất nhiều.
Sẽ có bạn nói giáo viên chỗ các bạn giàu lắm, có xe SH, có ôtô, ăn mặc sang chảnh... Nhưng số đó là thiểu số, họ phải dạy thêm, làm thêm, một phần là gia đình, chồng hoặc vợ làm ngành khác kinh tế tốt. Chứ nói về lương thì vẫn thấp. Và cũng đừng so sánh với ngành này ngành kia. Mỗi ngành có đặc thù riêng nhưng mà giáo viên lương không bằng cả công nhân thì cũng nên xem xét.
Thanh Y
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.