Anh Lưu Viết Chinh, 30 tuổi, thường xuyên hút thuốc lá, xét nghiệm tại một bệnh viện ở TP HCM ghi nhận tinh trùng kém di động. Vợ anh là chị Hạnh Lê, 32 tuổi, bị ứ dịch vòi trứng, khó có con tự nhiên và một lần sảy thai.
Chị Lê được phẫu thuật kẹp vòi trứng, sau đó thụ tinh ống nghiệm (IVF) nhưng chỉ tạo được phôi ngày 3 với chất lượng trung bình, chuyển phôi hai lần không thành công, một lần thai sinh hóa. Bác sĩ khuyên anh Chinh bỏ thuốc, vì chất độc trong khói thuốc lá làm giảm chất lượng của tinh trùng và phôi thai, tăng nguy cơ sảy thai và các biến chứng thai kỳ như sinh non, dị tật bẩm sinh.
Để cai thuốc lá, anh Chinh giảm dần tần suất hút, tăng cường hoạt động rèn luyện thể lực, áp dụng chế độ dinh dưỡng lành mạnh, hạn chế gặp những người bạn hay hút thuốc. Sau một năm, anh cai hoàn toàn thuốc lá.
Năm 2023, họ đến Trung tâm Hỗ trợ sinh sản Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM (IVF Tâm Anh TP HCM), xét nghiệm tinh dịch đồ của anh Chinh cho thấy độ di động tinh trùng tăng 15% so với trước. Bác sĩ Ngô Đình Triệu Vỹ kích thích buồng trứng với phác đồ nhẹ cho chị Lê, thu được 14 cụm noãn, tạo được 6 phôi chất lượng tốt.
"Chất lượng tinh trùng cải thiện cùng công nghệ nuôi cấy hiện đại là những yếu tố quan trọng tạo ra số lượng và chất lượng phôi cao hơn lần trước", bác sĩ Vỹ nói, thêm rằng phôi tốt chiếm 50% tỷ lệ thành công khi điều trị IVF.
Bác sĩ Vỹ phẫu thuật cắt ống dẫn trứng của chị Lê, giải quyết dứt điểm tình trạng ứ dịch, ngăn nguy cơ chất dịch ứ đọng rỉ xuống tử cung gây độc cho phôi thai, ngăn cản phôi bám dính và làm tổ. Chị được chỉ định thuốc kháng sinh để điều trị viêm niêm mạc tử cung, đậu thai ngay lần đầu chuyển phôi.
Những tuần đầu thai kỳ, người bệnh có hiện tượng xuất huyết. Bác sĩ Vỹ chỉ định các thuốc dưỡng thai kịp thời, phối hợp với bác sĩ Trung tâm Sản Phụ khoa Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM theo dõi chặt chẽ. Giữa tháng 11, con trai của vợ chồng chị Lê chào đời nặng gần 3,5 kg.
Theo bác sĩ Vỹ, khói thuốc lá chứa hơn 4.000 chất độc gồm nicotine và chất chuyển hóa của nó là cotinine, hắc ín, carbon monoxide, hydrocarbon thơm đa vòng, chất phóng xạ, các kim loại nặng... Các chất độc này tác động tiêu cực đến khả năng sinh sản của cả nam và nữ. Ở nam giới, độc tố làm suy yếu hệ thống các hormone sinh dục, ảnh hưởng đến chức năng sản xuất tinh trùng của tinh hoàn, giảm số lượng, chất lượng tinh trùng, giảm khả năng vận động, tăng độ phân mảnh DNA... Nữ giới hút thuốc lá chủ động hoặc thụ động (ngửi khói thuốc lá từ những người xung quanh) cũng tác động xấu đến thai kỳ, tăng khả năng sảy thai, sinh non, dị tật ở thai nhi.
Nam giới có thời gian hút thuốc lá càng lâu, tần suất hút càng dày, quá trình phơi nhiễm với các chất độc lâu dài, mức độ ảnh hưởng đến khả năng sinh sản càng lớn. Do đó, khi có kế hoạch mang thai hay thụ tinh ống nghiệm, nam giới nên bỏ thuốc lá, tăng cường vận động, cân bằng dinh dưỡng nhằm cải thiện chất lượng tinh trùng, góp phần tăng chất lượng phôi thai, sinh con khỏe mạnh.
Hoài Thương
Độc giả gửi câu hỏi về vô sinh hiếm muộn tại đây để bác sĩ giải đáp |