Mụn đầu trắng, mụn đầu đen, mụn nhọt... thường mọc ở những khu vực có nhiều tuyến dầu như khuôn mặt, lưng nhưng nó cũng có thể xuất hiện ở bất kỳ đâu trên cơ thể. Nổi mụn bên trong tai như ở tai ngoài và ống tai cũng không hiếm gặp. Tai ngoài và ống tai ngoài có các tế bào da, tế bào lông và các tuyến sản xuất dầu.
Mụn ở tai thường lành tính và có thể tự khỏi. Tốt nhất là bạn tránh nặn mụn trong tai; nên để cho nó tự khỏi nếu không gây khó chịu. Nặn mụn có thể đẩy vi khuẩn và mủ vào sâu hơn trong lỗ chân lông, gây kích ứng, viêm nhiễm nặng hơn. Nếu bạn nặn mụn và mủ chảy ra có thể đóng vảy, hình thành sẹo. Trường hợp mụn bị nhiễm trùng có thể trở thành nhọt. Những vết sưng đầy mủ này thường gây đau đớn và có thể cần phải điều trị bằng thuốc thoa, kháng sinh. Dưới đây là một số cách để xử trí mụn trong tai.
Chườm ấm: Bạn có thể thử chườm ấm để làm mềm những nốt mụn. Hơi nóng có thể giúp mủ trồi lên bề mặt và tự thoát ra ngoài. Bạn nên rửa tay và làm sạch chất lỏng thoát ra vì tay bẩn có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn lây lan. Nếu bạn bị nổi mụn dai dẳng hoặc đau đớn thì nên thăm khám bác sĩ để được đánh giá về tình trạng và có cách xử trí.
Kem retinoid: Sử dụng kem retinoid có thể hữu ích trong việc ngăn ngừa và điều trị mụn nhọt trong tai. Tuy nhiên, kem retinoid có thể có tác dụng phụ nghiêm trọng và không phải lúc nào cũng có thể dung nạp được. Ngoài ra, nó đôi khi khiến da bị khô và bong tróc. Do đó, bạn nên hỏi ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng.
Benzoyl peroxide: Là một thành phần trong nhiều sản phẩm trị mụn. Benzoyl peroxide có thể tiêu diệt vi khuẩn gây mụn trên da, ngăn ngừa mụn trứng cá. Nó cũng có thể giúp phá vỡ mụn nhẹ nhàng. Bạn nên thử với liều thấp nhất để xem phản ứng của da trước khi dùng liều lượng nhiều.
Dầu cây chè: Một số biện pháp thảo dược có thể điều trị mụn trứng cá, dầu cây trà là một trong những loại được nghiên cứu nhiều nhất. Dầu cây trà 5% có thể tương đương với benzoyl peroxide. Hiệu quả của nó nhờ vào đặc tính kháng khuẩn và chống viêm.
Thuốc kháng sinh: Bác sĩ có thể dùng thuốc kháng sinh như erythromycin, clindamycin cùng với benzoyl peroxide. Tuy nhiên, bạn không nên tự ý sử dụng thuốc kháng sinh bôi ngoài da do nguy cơ vi khuẩn kháng thuốc.
Mụn trong tai, nhất là mụn bọc có thể nhầm lẫn với u bã đậu, sẹo lồi, tình trạng dày sừng tiết bã, u nang Epidermoid (những u nhỏ, phát triển chậm, hình thành bên dưới da). Các khối u do loại ung thư da biểu mô tế bào đáy này có thể bị nhầm lẫn với mụn nhọt dai dẳng. Nếu vết sưng hoặc vùng xung quanh tại bị đau, khó chịu, dai dẳng và không đáp ứng với các phương pháp điều trị mụn thì có thể đó không phải mụn trứng cá. Bạn nên đến gặp bác sĩ để thăm khám sớm.
Mụn sẽ hình thành trong tai nếu các tuyến sản xuất dầu bị tắt, không thể thoát ra ngoài hoặc vi khuẩn phát triển trong lỗ chân lông bị tắc. Sự tích tụ vi khuẩn có thể do một số nguyên nhân chẳng hạn như đưa ngón tay vào tai, dùng tai nghe không được vệ sinh thường xuyên. Các nguyên nhân khác gây ra ở tai như căng thẳng, mất cân bằng nội tiết tố, tắm nước bẩn, khuyên tai nhiễm trùng...
Để tránh mụn nhọt trong tai, mọi người nên giữ vệ sinh tai bằng cách giữ cho mặt, cổ và tai sạch dầu thừa, bụi bẩn có thể làm tắc nghẽn lỗ chân lông; chọn sữa rửa mặt cân bằng độ pH thay vì xà phòng thông thường. Vệ sinh tai nghe tai nghe thường xuyên, tránh đưa ngón tay, vật lạ vào tai.
Kim Uyên
(Theo Medical News Today, Healthline)