Hôi miệng thường bắt nguồn từ miệng, nơi luôn có vi khuẩn. Khi bạn ăn, các mẩu thức ăn sẽ mắc vào răng. Vi khuẩn phát triển trên những mẩu thức ăn này, giải phóng các hợp chất lưu huỳnh có mùi hôi.
Nguyên nhân phổ biến nhất của hôi miệng là do vệ sinh răng miệng kém. Khi mảng bám không được chải sạch ít nhất hai lần mỗi ngày sẽ tạo ra mùi hôi và gây sâu răng. Ngoài vệ sinh răng miệng tốt, dưới đây là một số cách giúp bạn giảm hơi thở có mùi tại nhà.
Tự làm nước súc miệng với baking soda
Nghiên cứu đăng trên Thư viện Y khoa Mỹ cho thấy, baking soda (natri bicarbonate) có thể góp phần tiêu diệt vi khuẩn trong miệng. Kem đánh răng có chứa baking soda nồng độ cao giúp giảm hôi miệng. Để làm nước súc miệng, bạn cho hai thìa cà phê baking soda vào một cốc nước ấm. Ngậm nước súc miệng ít nhất 30 giây trước khi nhổ ra.
Tự làm nước súc miệng với giấm
Giấm có chứa axit tự nhiên - axit axetic. Nước súc miệng bằng giấm có tính axit có thể làm giảm sự phát triển của vi khuẩn. Bạn thêm hai thìa giấm trắng hoặc giấm táo vào một cốc nước. Súc miệng ít nhất 30 giây trước khi nhổ ra.
Nhai rau ngò tây
Ngò tây là một phương pháp dân gian chữa hôi miệng phổ biến. Hương thơm tươi mát và hàm lượng chất diệp lục cao có tác dụng khử mùi. Để dùng ngò tây trị hôi miệng, bạn có thể nhai lá tươi sau mỗi bữa ăn.
Dùng nước ép dứa
Nhiều người cho rằng nước ép dứa là cách chữa hôi miệng nhanh chóng và hiệu quả mặc dù chưa có bằng chứng khoa học chứng minh. Thế nhưng, bạn có thể uống một ly nước ép dứa sau bữa ăn hoặc nhai một lát dứa trong 1-2 phút. Bạn cũng nên nhớ súc miệng để sạch đường có trong dứa, nước ép dứa vì nó cũng tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển trong khoang miệng.
Uống nước
Khô miệng thường gây hôi miệng. Nước bọt đóng vai trò giữ cho miệng sạch sẽ. Không có nó, vi khuẩn sẽ phát triển mạnh. Miệng khô tự nhiên trong khi ngủ là lý do tại sao hơi thở thường nặng hơn vào buổi sáng. Uống nước (không chứa caffein hoặc có đường) trong ngày là cách giúp sản xuất nước bọt. Bạn nên uống đủ nước khoảng 8 cốc nước mỗi ngày.
Ăn sữa chua
Sữa chua có chứa lợi khuẩn lactobacillus giúp chống lại hại khuẩn trong như ruột. Theo Hiệp hội vì sự tiến bộ của khoa học của Mỹ (AAAS), sữa chua cũng có thể giảm hôi miệng. Một nghiên cứu cho thấy, sau sáu tuần ăn sữa chua, 80% người tham gia đã giảm chứng hôi miệng. Probiotics trong sữa chua có hiệu quả trong việc giảm hơi thở có mùi. Để sử dụng sữa chua giảm hôi miệng, bạn có thể ăn ít nhất một khẩu phần sữa chua không béo mỗi ngày.
Uống sữa
Sữa là phương pháp giảm hôi miệng được nhiều người biết đến. Uống sữa sau khi ăn tỏi có thể cải thiện đáng kể hơi thở có mùi. Uống một ly sữa ít béo sau bữa ăn có các thực phẩm có mùi mạnh như tỏi và hành cũng là một cách.
Ăn hạt thì là, hạt hồi
Từ xưa, thì là và hạt hồi đã được sử dụng làm hơi thở thơm mát. Ở một số vùng của Ấn Độ, hạt thì là rang được dùng làm sạch hơi thở. Chúng có vị ngọt và chứa tinh dầu thơm cho hơi thở thơm mát. Bạn có thể ăn hạt thì là, hạt hồi rang hoặc tẩm đường.
Ăn cam
Cam không chỉ là món tráng miệng lành mạnh mà còn giúp vệ sinh răng miệng. Nhiều người bị hôi miệng vì không tiết đủ nước bọt để làm sạch vi khuẩn có mùi hôi. Nghiên cứu đăng trên ResearchGate cho thấy, vitamin C có thể tăng tiết nước bọt, loại bỏ hơi thở có mùi.
Súc miệng bằng dung dịch chứa kẽm
Muối kẽm, một thành phần trong một số nước súc miệng và kẹo cao su có thể chống lại chứng hôi miệng. Kẽm có tác dụng làm giảm số lượng các hợp chất lưu huỳnh trong hơi thở. Súc miệng thường xuyên bằng dung dịch chứa kẽm giảm hôi miệng ít nhất 6 tháng theo nghiên cứu vào năm 2017. Người bị khô miệng có thể thử một loại kẹo cao su có thành phần kẽm.
Uống trà xanh
Trà xanh là một phương pháp chữa hôi miệng tại nhà. Trà xanh có đặc tính khử trùng và khử mùi, làm hơi thở thơm mát hơn. Bạc hà cũng có tác dụng tương tự. Bạn có thể pha trà xanh, trà bạc hà và mang đi làm vào để từ từ nhấm nháp suốt cả ngày.
Ăn táo
Một nghiên cứu năm 2014 đăng trên Thư viện Y khoa Mỹ cho thấy, một số hợp chất tự nhiên nhất định trong táo sẽ trung hòa các hợp chất có mùi hôi trong tỏi. Nó trung hòa các hợp chất trong máu, thay vì chỉ khử mùi miệng. Vì vậy, sau khi ăn hơi thở có mùi hôi do tỏi, bạn có thể ăn táo.
Hầu hết hôi miệng đều bắt nguồn từ miệng và cải thiện bằng cách vệ sinh răng miệng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, hơi thở có mùi là dấu hiệu của một tình trạng nghiêm trọng hơn như nhiễm toan ceton do tiểu đường, suy thận hoặc nhiễm trùng. Nếu tình trạng hôi miệng không được cải thiện tại nhà, bạn nên đến gặp bác sĩ hoặc nha sĩ.
Kim Uyên
(Theo Healthline)