Theo PGS.TS.BS Vũ Huy Trụ, Trưởng khoa Nhi, BVĐK Tâm Anh TP HCM, trẻ sốt cao co giật phần đa lành tính nếu có những đặc điểm: nằm trong độ tuổi 6 tháng - 6 tuổi, cơn co giật xảy ra khi sốt cao, tiền căn gia đình không có người mắc bệnh về thần kinh. Ngoài ra, đặc điểm cơn co giật ở trẻ thường ngắn và toàn thân. Sau kết thúc cơn, bé trở lại sinh hoạt bình thường.
Tuy nhiên, có một số thống kê cho thấy tỷ lệ trẻ sốt cao co giật chiếm khoảng 2-5% số trẻ em. Tỷ lệ tái phát chung của cơn co giật do sốt khoảng 35%. Trẻ dưới một tuổi xuất hiện cơn sốt co giật có nguy cơ tái phát cao hơn hoặc trẻ có người thân trong gia đình từng sốt cao co giật.
Ngoài ra, trẻ sốt cao co giật cũng có thể là biểu hiện bệnh động kinh. Dấu hiệu nhận biết gồm: sốt co giật với trẻ dưới 18 tháng, cơn co giật xảy ra cục bộ chỉ ở tay, chân, hay một vùng nào đó trên cơ thể bé, xảy ra lâu, gia đình có người mắc bệnh thần kinh.
Sau khi kết thúc cơn co giật, phụ huynh nên đưa bé đến bệnh viện để được kiểm tra. Bác sĩ có thể cho bé đo điện não, chụp MRI hoặc CT để kiểm tra trẻ có bệnh lý gì về thần kinh hay không, từ đó có phác đồ điều trị thích hợp.

PGS.TS.BS Vũ Huy Trụ đang khám cho bệnh nhi tại BVĐK Tâm Anh TP HCM. Ảnh: Phương Trinh
Chăm sóc trẻ có tiền sử sốt cao co giật tại nhà, phụ huynh cần để ý trẻ có triệu chứng cảnh báo nguy hiểm để đưa trẻ đi khám sớm, điều trị kịp thời. PGS Huy Trụ khuyên phụ huynh đặc biệt lưu ý các dấu hiệu nguy hiểm về thần kinh như: lừ đừ, li bì, triệu chứng về tiêu hóa như mất nước, khát nước, hay hô hấp như khó thở, tím tái. Khi loại trừ các dấu hiệu nguy hiểm trên, có thể trẻ sốt do mắc bệnh: sốt do siêu vi, cảm cúm, viêm họng... Lúc này, người chăm sóc trẻ vẫn có thể dùng phương pháp hạ sốt không dùng thuốc bằng cách lau mát bằng nước ấm, lau vùng nhiều mạch máu như nách, bẹn để hạ nhiệt.
Trong trường hợp con sốt cao co giật, hoặc bé tiền sử sốt cao co giật tái phát thì phụ huynh phải thật bình tĩnh để xử trí đúng cách. Nếu phụ huynh mất bình tĩnh có thể dẫn đến xử trí sai cách gây nguy hiểm cho bé.
PGS.TS. BS Vũ Huy Trụ cho biết, phụ huynh chỉ cần cho trẻ nằm nghiêng một bên, tốt nhất là nằm trên giường có nệm, tấm xốp, có thể để gối kê dưới đầu giúp hạn chế chấn thương vùng đầu do co giật. Lưu ý môi trường xung quanh trẻ nằm không có vật sắc nhọn có thể gây nguy hiểm khi trẻ co giật, mất ý thức. Đặc biệt, phụ huynh hoặc người chăm sóc trẻ đừng cố gắng ngăn cơn co giật bằng cách nhấc bổng, ẵm bế bé hay cố cạy miệng trẻ nhét tay hay gạc vào miệng. Những cách này kém thông thoáng đường thở, không được bác sĩ khuyến cáo.
Để ngăn ngừa tình trạng sốt cao dẫn đến co giật khi trẻ có dấu hiệu tăng thân nhiệt cần cho uống nhiều nước, hoặc chất điện giải, mặc quần áo nhẹ, thoáng, không ủ ấm. Phụ huynh phải thường xuyên theo dõi nhiệt độ cơ thể của trẻ bằng nhiệt kế; khi trẻ sốt trên 38,5 cho trẻ sử dụng thuốc hạ sốt.
Nếu trẻ có tình trạng co giật, phụ huynh bình tĩnh nhờ người thân quay lại video. Dựa trên hình ảnh video bác sĩ xem xét, phân tích được thời gian, biểu hiện đi kèm cơn co giật, từ đó có cơ sở chẩn đoán, điều trị chính xác nhất.
Tuệ Diễm