BS.CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi, Giám đốc Trung tâm Sản Phụ khoa, BVĐK Tâm Anh TP HCM, cho biết, tầm soát là biện pháp sàng lọc giúp phát hiện những vấn đề sức khỏe bất thường ở cổ tử cung, dù chưa có triệu chứng. Nếu phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm thì việc điều trị sẽ đạt kết quả tốt, kiểm soát bệnh, giúp phụ nữ tiếp tục mang thai, sinh con.
Pap Smear là xét nghiệm tế bào học nhằm xác định những tế bào bất thường ở cổ tử cung gây ra bởi HPV, giúp phát hiện sớm ung thư, trước khi các khối u lây lan rộng. Ngoài ra, xét nghiệm này còn giúp nhận biết những bất thường trong cấu trúc, hoạt động của tế bào tử cung để cảnh báo nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung trong tương lai.
Cải tiến so với phương pháp Pap Smear, xét nghiệm Thinprep (phết tế bào cổ tử cung) giúp giảm nguy cơ bỏ sót mẫu tế bào bất thường, nhờ đó giảm đáng kể tỷ lệ âm tính giả và nâng cao hiệu quả tầm soát ung thư cổ tử cung.
Ngoài ra, xét nghiệm HPV DNA sử dụng hệ thống máy tách chiết DNA tự động và công nghệ giải trình mới để phân tích, xác định chính xác sự hiện diện của HPV trong cơ thể. Từ đó, bác sĩ đánh giá nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung, có biện pháp phòng ngừa hiệu quả.
Các xét nghiệm tầm soát như tế bào học (Pap Smear, Thinprep) nếu âm tính sẽ thực hiện mỗi 2 năm một lần; xét nghiệm HPV nếu âm tính có thể thực hiện 3 năm một lần; hoặc bộ đôi xét nghiệm tế bào học và HPV, nếu âm tính có thể lặp lại mỗi 5 năm một lần. Các xét nghiệm chẩn đoán tổn thương tiền ung thư cổ tử cung như: soi cổ tử cung, sinh thiết, nạo sinh thiết cổ tử cung sẽ được chỉ định ở những bệnh nhân có kết quả xét nghiệm Pap’s bất thường.
Bác sĩ Mỹ Nhi cho biết, BVĐK Tâm Anh thực hiện tầm soát ung thư cổ tử cung theo hướng dẫn của quốc gia và quốc tế. Hiện nay, số lượng bệnh nhân đến khám phụ khoa làm xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung lên tới 90%. Thông qua tầm soát, nhiều phụ nữ phát hiện nhiễm HPV tuýp 16, 18, là nhóm có nguy cơ cao mắc ung thư cổ tử cung lên tới 70%. Phát hiện có sự tăng sinh trong biểu mô cổ tử cung độ 3 (CIN3), tức là tổn thương tiền ung thư, nguy cơ cao dẫn tới ung thư.
Khoảng 99,7% trường hợp mắc ung thư cổ tử cung đều có sự hiện diện của HPV. Vì vậy, đây được coi là yếu tố nguy cơ cao nhất dẫn đến việc mắc bệnh lý ung thư cổ tử cung. Trong đó, 2 tuýp virus HPV 16 và 18 được coi là nguy hiểm nhất vì chúng có thể đi sâu vào tử cung của phụ nữ, sau đó phát triển làm thay đổi mô tử cung, gây ra bệnh ung thư cổ tử cung.
Bác sĩ sản khoa có thể kết hợp với chẩn đoán hình ảnh hiện đại như MRI để đánh giá giai đoạn đối với trường hợp ung thư xâm lấn. Có trường hợp đã xác định ung thư tại chỗ, một số trường hợp ung thư cổ tử cung có di căn lên tử cung, cơ quan khác, cần điều trị triệt để.
Khi phát hiện có tiền ung thư hoặc ung thư tại chỗ, có chỉ định can thiệp, người bệnh sẽ được khoét chóp bằng dao lạnh hoặc vòng cắt đốt. Thủ thuật gọn, nhẹ, bệnh nhân có thể về trong ngày.
Trường hợp bệnh nhân ung thư tại chỗ, đủ số con, lớn tuổi; bệnh nhân trẻ nhưng có đủ số con, có bờ phẫu thuật không an toàn (dưới 2 mm), còn tổn thương liên quan tăng sinh biểu mô tử cung... sẽ được tư vấn điều trị triệt để bằng phương pháp phẫu thuật nội soi cắt tử cung toàn phần. Một số trường hợp có thể cắt tử cung tận gốc, nạo hạch chậu.
Bác sĩ Mỹ Nhi khuyến cáo, bên cạnh ung thư cổ tử cung, phụ nữ có thể mắc thêm ung thư âm hộ, nội mạc tử cung, buồng trứng... Do đó, để bảo vệ sức khỏe, chức năng sinh sản, chức năng sinh lý nữ chị em nên tuân thủ lịch khám phụ khoa định kỳ. Khi có dấu hiệu cảnh báo mắc bệnh lý phụ khoa như: rong huyết trong chu kỳ kinh, chảy máu âm đạo, dịch âm đạo có màu lạ, đầy hơi chướng bụng, đi tiểu liên tục, đau vùng bụng chậu cần thăm khám, xét nghiệm, điều trị kịp thời.
Phụ nữ nên chọn điều trị tại các bệnh viện uy tín có đội ngũ chuyên gia, bác sĩ giỏi, giàu kinh nghiệm và trang thiết bị hiện đại, nhiều chuyên khoa phối hợp trong hội chuẩn và điều trị như: Sản khoa, Ung bướu, Nội tiết, Dinh dưỡng, Tiết niệu,... để đưa ra phác đồ điều trị bệnh ung thư phụ khoa một cách hiệu quả.
Ung thư cổ tử cung là bệnh phụ khoa nguy hiểm hàng đầu đối với nữ giới vì ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và tỷ lệ tử vong cao. Thống kê, năm 2020 trên thế giới có 604.127 ca mắc ung thư cổ tử cung, trong đó 341.831 tử vong, tại Việt Nam là 4.132 người, tử vong 2.223 người. Đây là căn bệnh có thể dự phòng bằng cách tiêm ngừa vacxin và tầm soát ung thư sớm để loại trừ bệnh diễn tiến thành ác tính.
Nếu không tập trung dự phòng tốt, con số tử vong vì ung thư cổ tử cung sẽ tiếp tục gia tăng. Do đó, bên cạnh việc chủ động tiêm phòng HPV, cần có chiến lược đẩy mạnh tìm kiếm, tầm soát ung thư cổ tử cung trong cộng đồng.
Để giúp phụ nữ tầm soát và dự phòng nguy cơ mắc bệnh ung thư cổ tử cung, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh tổ chức chương trình tư vấn trực tuyến "Ung thư cổ tử cung: Tầm soát và Dự phòng" vào lúc 20h thứ 5 ngày 24/11. Với sự tham gia của các chuyên gia Sản phụ khoa BVĐK Tâm Anh TP HCM: BS.CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi - Giám đốc Trung tâm Sản phụ khoa, TS.BS Bùi Thị Phương Nga, ThS.BS Kiều Lệ Biên. Chương trình sẽ được phát trên fanpage Báo điện tử VnExpress, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh... Độc giả có thể gửi câu hỏi tại đây để được các chuyên gia giải đáp. |
Tuệ Diễm