BS.CKI Đoàn Minh Yên Hà, khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết người tiểu đường có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn so với người bình thường. Đường huyết cao do tiểu đường có thể làm xơ vữa các mạch máu, dẫn đến các bệnh tim mạch như thiếu máu cục bộ, tai biến mạch máu não, bệnh động mạch ngoại biên do tiểu đường... Nam giới bị tiểu đường có nguy cơ phát triển bệnh tim mạch hơn nữ giới.
Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch khác gồm tiền sử gia đình, hút thuốc lá, bệnh phổi, bệnh thận mạn tính, huyết áp cao, cholesterol bất thường, thừa cân hoặc béo phì...
Bác sĩ Hà gợi ý cách phòng bệnh tim mạch cho người tiểu đường như sau:
Xét nghiệm HbA1c thường xuyên: HbA1c là chỉ số đường huyết trung bình trong ba tháng. Xét nghiệm này khác với kiểm tra lượng đường trong máu hàng ngày. Chỉ số HbA1c thể hiện tổng quan quá trình kiểm soát đường huyết trong thời gian dài hơn, cần giữ mức HbA1c theo mục tiêu cá thể hóa mà bác sĩ tư vấn, trung bình dưới 7%.
Ổn định huyết áp: Huyết áp là áp lực của máu tác động lên thành mạch máu, cần giữ chỉ số dưới 140/90 mmHg. Huyết áp tăng khiến tim người bệnh làm việc quá sức. Huyết áp cao có thể gây đau tim hoặc đột quỵ, làm tổn thương thận và mắt của người bệnh tiểu đường.
Kiểm soát cholesterol: Cholesterol là các loại mỡ có trong máu. Các loại mỡ xấu lắng đọng ở thành mạch gây xơ vữa thành mạch. Mảng xơ vữa không ổn định làm tăng nguy cơ đau tim hoặc đột quỵ.
Người tiểu đường dễ rối loạn lipid (mỡ) máu nếu đường huyết không ổn định. Đây cũng là yếu tố nguy cơ gây xơ vữa mạch máu và bệnh tim mạch. Người bệnh cần kiểm soát lipid máu theo từng mục tiêu cá thể hóa mà bác sĩ chỉ định.
Bỏ hút thuốc lá: Khói thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Bỏ thuốc lá và tránh xa khói thuốc thụ động giúp giảm nguy cơ phát triển các bệnh thần kinh, tim, thận, mắt, đường hô hấp, gan...
Lối sống lành mạnh: Người bệnh tiểu đường nên ăn uống lành mạnh, hoạt động thể chất hàng ngày, duy trì cân nặng hợp lý (dưới mức thừa cân, béo phì), ngủ đủ giấc... để tăng cường sức khỏe.
Kiểm soát căng thẳng: Khi điều trị tiểu đường, người bệnh rất dễ căng thẳng do phải ăn uống kiêng khem, sử dụng thuốc, áp lực cân đối chỉ số đường huyết. Căng thẳng kéo dài có thể làm tăng đường huyết và huyết áp. Người bệnh có thể kiểm soát căng thẳng bằng cách thiền, làm vườn, tập yoga, trò chuyện với người thân, dành thời gian cho sở thích cá nhân...
Bác sĩ Yên Hà khuyến nghị người bệnh tiểu đường khám sức khỏe định kỳ để sớm phát hiện biến chứng tim mạch (nếu có), điều trị theo phác đồ giúp tăng hiệu quả.
Đinh Tiên
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiểu đường tại đây để bác sĩ giải đáp |