Chị Đoàn Thị Hảo (32 tuổi, Hà Tĩnh) chưa hết cảm giác lo sợ khi có con từng nhiễm Adenovirus lúc 6 tháng tuổi. Trước đó, bé có triệu chứng sốt cao 39 độ, kéo dài nhiều ngày, được chẩn đoán viêm phổi. Sau đó chị chuyển con đến bệnh viện tuyến trung ương, xét nghiệm máu phát hiện nhiễm Adenovirus, phải nằm phòng cấp cứu cách ly.
"Nửa tháng nằm viện bé mới cắt sốt, nhưng lại đối mặt với nguy cơ nhiễm bệnh chéo. Nhiều lần con rơi vào tình trạng nguy kịch, may mắn nhờ phát hiện sớm, có phác đồ điều trị kịp thời. Bé khỏe, xuất viện sau một tháng nằm viện", chị Hảo kể.
Theo TS.BS Cam Ngọc Phượng, Giám đốc Trung tâm Sơ sinh, BVĐK Tâm Anh TP HCM, trước sự lây lan của Adenovirus, phụ huynh cần cẩn trọng phòng tránh mắc bệnh cho trẻ sơ sinh, nhũ nhi (dưới 1 tuổi). Đây là nhóm đối tượng có sức đề kháng yếu, dễ trở nặng khi nhiễm virus. Đặc biệt là trẻ sinh non, phổi chưa trưởng thành khi nhiễm bệnh lý hô hấp sẽ diễn tiến nhanh, dễ tử vong nếu không can thiệp kịp thời.
Trường hợp trẻ sơ sinh nhiễm bệnh hô hấp, cần lưu ý dấu hiệu bệnh nặng, sốt trên 38 độ, bú giảm ½, thở mệt, cần đến trung tâm y tế gần nhất có điều trị sơ sinh. Bác sĩ sẽ đánh giá, chữa trị kịp thời.
Adenovirus sẽ tấn công đường hô hấp gây viêm phổi, khó thở hoặc suy hô hấp. Dấu hiệu nhận biết là bé sốt cao, hắt hơi, sổ mũi. Bệnh sốt cao khó hạ, trẻ có thể rét run, khò khè. Tuy nhiên, đây cũng là triệu chứng của bệnh viêm phổi, viêm họng, viêm đường hô hấp khác.
Đối với trẻ sơ sinh, nhũ nhi nhiễm bệnh do virus này sẽ gặp tổn thương viêm đường hô hấp, viêm kết mạc, tiêu chảy, buồn nôn, nguy hiểm hơn viêm não, viêm màng não. Để chẩn đoán chính xác bệnh, bé có thể cần kiểm tra xét nghiệm máu, chụp X-Quang tim phổi, xét nghiệm xác định căn nguyên bằng kỹ thuật realtime PCR.
"Do Adenovirus chưa có vaccine dự phòng, cách phòng bệnh tốt nhất là bảo vệ trẻ, cách ly khỏi nguồn lây nhiễm, cho bé tiêm phòng đầy đủ vaccine bảo vệ hệ miễn dịch trước nguy cơ cùng lúc mắc nhiều bệnh lý nguy hiểm", bác sĩ Phượng khuyến cáo.
Người lớn chăm sóc trẻ sơ sinh, nhũ nhi cũng cần lưu ý, nếu trong gia đình có con nhỏ độ tuổi đến trường dễ mắc bệnh trên lớp học, mang mầm bệnh về nhà cho các em. Do đó, người chăm sóc cần tránh để trẻ tiếp xúc trẻ nguồn lây bệnh, cách ly bé khỏi những người thân có triệu chứng mắc bệnh đường hô hấp.
Người chăm sóc bé nên chích ngừa đầy đủ vaccine cúm, vaccine phòng bệnh do phế cầu khuẩn. Khi người chăm sóc có bệnh hô hấp không nên tiếp xúc trực tiếp với trẻ. Trường hợp mẹ chăm sóc trực tiếp nhiễm Adenovirus, bệnh lây truyền qua đường hô hấp khác vẫn nên duy trì cho con bú mẹ vì trong sữa có kháng thể giúp bảo vệ trẻ tốt hơn. Khi chăm sóc con, mẹ cần đeo khẩu trang, rửa tay, hạn chế tiếp xúc gần. Phụ huynh cũng cần lưu ý, môi trường ngủ trẻ sơ sinh cần thông thoáng, có ánh sáng tự nhiên, phải vệ sinh mỗi ngày.
Tuệ Diễm