Đau răng có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau. Những cơn đau này có liên quan đến các tín hiệu cảm giác được truyền đến não thông qua dây thần kinh sinh ba (dây thần kinh lớn nhất ở đầu). Theo TS.BS. Nguyễn Thị Minh Đức - Trưởng khoa Nội Thần kinh, Trung tâm Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM - các vấn đề răng miệng và đau đầu thường có mối quan hệ với nhau. Ví dụ, răng miệng viêm, đau có thể gây ra hoặc làm trầm trọng thêm chứng đau đầu hoặc đau nửa đầu.
Đau răng: Đây thường là một triệu chứng của vấn đề sức khỏe răng miệng như sâu răng, bệnh nướu răng hoặc nhiễm trùng tủy răng. Người bị viêm, đau răng, lợi có thể giảm nguy cơ phát triển thêm các vấn đề khác bằng cách đi khám và vệ sinh thường xuyên răng miệng.
Áp xe, nhiễm trùng ở hàm trên cũng có thể gây nhiễm trùng xoang cấp tính, suy nhược xoang hoặc đau nửa đầu. Các biến chứng khác có thể bao gồm nhiễm trùng cơ quan lớn đến viêm màng não.
Mọc răng khôn: Răng khôn là chiếc răng cuối cùng mọc ở phía sau miệng, thường ở độ tuổi từ 17 đến 25. Trong khi hầu hết các răng khôn mọc bình thường, chúng có thể bị kẹt (tác động) trong nướu nếu không có đủ chỗ trong hàm hoặc nếu răng mọc không đúng góc có thể gây đau, bao gồm cả đau đầu.
Nếu ai đó đã bị đau răng khôn một thời gian gây ra đau đầu âm ỉ thì nên đi khám bác sĩ ở cơ sở y tế uy tín. Các bác sĩ sẽ xem có cần thiết nhổ răng khôn hay không hay chỉ cần vệ sinh răng và uống thuốc điều trị.

Mọc răng khôn có thể ảnh hưởng đến đầu và gây đau. Ảnh: Freepik
Răng nhai không khớp đều: Nếu các răng không khớp đều khi cắn vào nhau một cách bình thường có thể làm căng cơ hàm, dẫn đến đau hoặc sưng hàm. Giống như một cơn đau răng dai dẳng, cơn đau này có thể truyền lên đầu qua dây thần kinh và góp phần khiến bạn đau đầu hoặc đau nửa đầu.
Nghiến răng hoặc mài răng: Khi ngủ, nhiều người có tật nghiến răng. Nghiến răng xảy ra vô tình trong khi ngủ, lúc căng thẳng hoặc lo lắng hoặc do một nguyên nhân thực thể, chẳng hạn như vết cắn nặng. Ngoài việc gây tổn thương và mòn răng, chứng nghiến răng không được điều trị cũng có thể dẫn đến đau hàm, đau đầu, đau tai, đau cổ và mặt.
Tổn thương răng do chứng nghiến răng có thể truyền cơn đau dây thần kinh từ răng vào mặt và đầu. Trong khi đó, căng cơ hàm có thể làm cơn đau lan từ các cơ này lên đầu, dẫn đến đau đầu do căng thẳng khớp thái dương hàm.
Nghiến răng cũng có thể góp phần gây ra chứng ngưng thở khi ngủ (tình trạng ngưng thở trong thời gian ngắn nhiều lần mỗi đêm trong khi ngủ). Ngưng thở khi ngủ có thể làm thiếu oxy và thay đổi đường kính mạch máu dẫn đến đau đầu vào buổi sáng, một vấn đề phổ biến ở những người mắc chứng này. Nhiều người đi làm răng thẩm mỹ, mài răng nhiều cũng bị ê buốt răng, tổn thương hàm và đau đầu.
Nếu bạn bị nghiến răng vào ban đêm thì nên đi khám bác sĩ nha khoa để được khám và hướng dẫn bảo vệ răng, giúp giảm các triệu chứng nghiến răng khi ngủ. Ngoài ra, bác sĩ còn áp dụng các phương pháp điều trị nghiến răng khác liên quan đến việc giải quyết nguyên nhân tâm lý hoặc điều chỉnh khớp cắn lệch bằng chỉnh nha.
Rối loạn chức năng khớp thái dương hàm: Khớp thái dương hàm (TMJ) là hai khớp nối hai hàm trên và dưới ở hai bên đầu. Nếu chức năng của các khớp này bị suy giảm gây đau, khó mở và đóng miệng. Người gặp tình trạng này có thể bi đau ở hàm, tai hoặc mặt, đau đầu nghiêm trọng trong một số trường hợp.
Để phòng tránh hoặc làm giảm các cơn đau đầu do răng miệng, chúng ta nên tránh các tác nhân gây đau đầu như tránh một số loại thức ăn và đồ uống nóng, cay, cứng hoặc đồ ăn quá lạnh... Người có dấu hiệu đau đầu đầu tiên dùng thuốc giảm đau không kê đơn có thể có hiệu quả. Lưu ý rằng việc phụ thuộc vào thuốc quá thường xuyên có thể dẫn đến đau đầu do lạm dụng thuốc. Người bệnh nên cố gắng đi ngủ, đắp khăn ấm hoặc mát lên trán hoặc cổ, tập thể dục trong không khí trong lành, trừ khi cơn đau đầu bị kích hoạt bởi ánh sáng mặt trời.
Bác sĩ Minh Đức cho biết thêm, hầu hết các cơn đau đầu đều nhẹ và tự hết sau vài giờ hoặc sau khi sử dụng thuốc giảm đau. Nếu đau đầu nghiêm trọng hơn hoặc bị đau đầu, đau nửa đầu tái phát, người bệnh nên đi khám để được bác sĩ xác định nguyên nhân và đưa ra các phương pháp điều trị phù hợp.
An Nguyên