Viêm ruột mạn tính là tình trạng viêm ruột tiến triển trong thời gian dài, được chia làm hai nhóm chính là viêm loét đại tràng và bệnh Crohn. Triệu chứng thường gặp là đau bụng, tiêu chảy, chảy máu trực tràng, mệt mỏi và sụt cân không rõ nguyên nhân.
ThS.BS.CKI Đoàn Hoàng Long, Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật Nội soi Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, cho biết nhận diện và điều trị viêm ruột mạn tính kịp thời góp phần giảm nguy cơ biến chứng như ung thư, suy dinh dưỡng, rò ống tiêu hóa...
Người bệnh viêm ruột thường được điều trị nội khoa và ngoại khoa. Phương pháp ngoại khoa được áp dụng khi viêm ruột mạn tính gây biến chứng thủng, rò hoặc không đáp ứng với phương pháp nội khoa. Sau phẫu thuật, người bệnh tiếp tục dùng thuốc, tuân thủ hướng dẫn chăm sóc hậu phẫu để giảm nguy cơ tái phát ung thư.
Bác sĩ Long hướng dẫn một số cách chăm sóc sức khỏe cho người bệnh viêm ruột.
Ăn uống hợp lý
Người bệnh nên hạn chế sữa, chất béo bão hòa để tránh kích ứng và làm trầm trọng hơn các triệu chứng như tiêu chảy, đau bụng, đầy bụng... Bổ sung lượng chất xơ vừa đủ như chuối, dưa hấu, táo bỏ vỏ, khoai tây, bánh mì, mì ống, gạo trắng. Tăng cường protein từ thịt lợn nạc, trứng, ức gà bỏ da...
Ưu tiên cách chế biến luộc hoặc hấp, tránh ăn đồ chiên để có thể giảm lượng chất béo không tốt. Các loại rau có khả năng sinh khí như bắp cải, bông cải xanh, cà phê, nước ngọt có gas phải hạn chế. Tránh tiêu thụ rượu bia, đồ uống có cồn và chất kích thích.
Người bệnh nên chia nhỏ bữa ăn để giảm áp lực cho hệ tiêu hóa, hỗ trợ quá trình tiêu hóa thức ăn và điều trị bệnh. Uống đủ lượng nước cơ thể cần mỗi ngày từ nước lọc, nước ép, súp, canh... Bệnh viêm ruột có thể làm giảm khả năng hấp thụ dưỡng chất. Người bệnh có thể được bác sĩ chỉ định bổ sung các loại vitamin hoặc khoáng chất thiếu hụt.
Giảm căng thẳng
Thường xuyên căng thẳng (stress) có thể là nguyên nhân khiến viêm ruột tiến triển nặng. Người bệnh cần giữ tâm trạng thoải mái bằng cách tham gia các hoạt động yêu thích như thể dục thể thao, thiền, tập hít thở sâu, trò chuyện với người thân và bạn bè... nhằm tối ưu hiệu quả điều trị viêm ruột mạn tính.
Ngưng hút thuốc lá
Khói thuốc lá không chỉ làm tăng nguy cơ phát triển bệnh viêm ruột mà còn ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị, giảm tốc độ phục hồi. Người bệnh cần ngừng hút thuốc để bảo vệ sức khỏe khỏi những tác nhân gây hại có trong thuốc lá.
Viêm ruột mạn tính không thể tự khỏi. Nếu không điều trị sớm, bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Do đó, ngay khi có các dấu hiệu viêm ruột mạn tính, người bệnh cần khám và tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ. Các phương pháp chẩn đoán lâm sàng, cận lâm sàng bao gồm khám, siêu âm, chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm phân...
Thảo Nhi