(Bài viết Ý Kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.)
Đồng hồ điện tử chạy xen kẽ 6 chỉ số: hiệu điện thế (V), ampe (A), công suất (lượng) điện đang sử dụng (kW), chỉ số điện (kWh), hai chỉ số khác là sáu chữ số đầu, cuối của số seri công tơ. Chỉ số chúng ta quan tâm nhất là: công suất (lượng) điện đang sử dụng - khi nào góc trên bên trái hiện số 1.7.0 thì bên phải phía dưới đó là lượng điện đang sử dụng; chỉ số điện - bên trái phía trên hiện số 1.8.0 thì bên phải phía dưới hiện chỉ số điện.
Để lấy tư liệu cho bài viết, tôi nhìn đồng hồ điện tử khi có duy nhất một tủ lạnh Inverter 255 lít đang hoạt động. Tủ lạnh lúc hao 50 W, lúc hao 10 W (thể hiện 0,05 kW và 0,01 kW), nhà sản xuất ghi mức tiêu thụ mỗi năm khoảng 243 kW là hoàn toàn hợp lý. Sau đó, tôi mở laptop để viết bài và bật ba đèn Led 1,2 m; lượng điện thể hiện 0,08 kW. Tôi mở thêm quạt lửng số nhỏ nhất, nhà sản xuất ghi 37 W, và lại đi nhìn đồng hồ lượng điện lúc này là 0,1 kW. Sau một lúc, cũng với lượng thiết bị y như trên, tôi lại kiểm tra lượng điện lúc này là 0,13 kW. Trong tất cả các thiết bị điện này, tủ lạnh là có độ thay đổi lượng điện nhiều nhất. Hôm trước, tôi có nướng bánh bằng lò điện công suất 2.000 W, nhiệt độ tối đa 250 độ C, tôi để 150 độ C, đồng hồ thể hiện 900 W.
Trước kia, còn chưa có máy lạnh, bố tôi hay nhắc ủi hết đồ trong tuần một lần, không nên ủi hằng ngày để tiết kiệm điện. Lúc thiếu điện, tôi thấy TP HCM cắt điện luân phiên, khoảng 17-18h mới có. Thành phố biển, nơi tôi lớn lên cúp điện luân phiên tới 20h, cơm nước, nghỉ ngơi cũng ảnh hưởng, ngoài đường cũng không có điện, mệt lắm. Buổi trưa, có khi phải chạy máy phát nhỏ bằng xăng, mở được chút đèn, quạt thì cũng ồn ào, lại tốn tiền nữa. Giờ không cúp điện là tôi thấy mừng rồi.
>> Năm bước tự kiểm tra công tơ điện tại nhà
Còn ngày nay, quá trời thiết bị điện, thiết bị tốn nhiều điện nhất là máy lạnh, tủ lạnh, càng tốn hơn là bạn dùng loại không có inverter. Cùng là một loại máy lạnh inverter, nếu nhiệt độ ngoài trời, thể tích phòng, nhiệt độ ban đầu của phòng, nhiệt độ cài đặt cho máy, độ thất thoát hơi lạnh, cách lắp đặt cả cục nóng lẫn cục lạnh, máy mới cũ, độ sạch sẽ của máy, cách sử dụng... khác nhau thì sẽ tốn điện khác nhau.
Nếu có điều kiện thay đổi thiết bị trong nhà, hãy chọn sản phẩm có nhãn năng lượng 5 sao. Thông thường, tôi trả gần 350.000 đồng mỗi tháng. Tôi có một máy lạnh 1,5 HP, cục lạnh công suất khoảng 40 W, cục nóng 1,05 kW - dùng khoảng 10h mỗi ngày vào buổi tối. Một tủ lạnh inverter 255 lít, nhà sản xuất ghi mỗi năm tiêu tốn khoảng 243 kW. Một máy giặt cửa trước cũng inverter. Ngoài ra còn có đèn Led, không có TV, thi thoảng mở máy tính, quạt bàn, quạt lửng. Nước nóng dùng năng lượng mặt trời, nấu nước uống bằng ấm điện. Có lần tôi nấu nhiều bằng siêu tốc, thấy cũng tốn điện nhiều hơn. Bếp từ tôi dùng hằng ngày, lâu lâu xài bếp hồng ngoại (hiệu suất sử dụng không cao như bếp từ, lại nóng, ưu điểm là phù hợp nhiều loại chất liệu). Nhà ít người nên sử dụng đèn, quạt cũng không nhiều, các thiết bị khác tôi ít sử dụng. Mùa hè, tiền điện nhà tôi cũng tăng, nhưng tôi biết đó là hợp lý.
Điện có được từ thủy điện (nước), nhiệt điện (than, dầu...), gió, năng lượng mặt trời, khí, phản ứng hạt nhân... Vì vậy, với nguyên vật liệu khác nhau, giá vốn tạo ra điện sẽ khác nhau, điện sẽ phát từ loại rẻ cho tới loại đắt, ví dụ dùng hết điện từ nước, mới đến than, dầu... Thủy điện là nguồn điện rẻ nhất nhưng nguồn điện này không đáp ứng đủ nhu cầu của nước ta, vì vậy ai xài ít là xài từ nguồn thủy điện, ai xài nhiều hơn dùng tới nguồn điện từ than, dầu. Còn ý kiến nói để hỗ trợ người nghèo, người dùng ít, tôi thấy ít thuyết phục hơn lý do này.
Còn việc tính điện theo giá bậc thang tôi thấy cũng dễ hiểu. Đơn giá chúng ta nhìn thấy còn chưa có thuế GTGT 10%. Có ý kiến cho rằng nên tính điện một giá, nhưng cách này sẽ không hợp lý với giá vốn của từng loại điện. Và thử tính một giá là khoảng 2.110 đồng (cộng trung bình đơn giá 6 bậc) thì với các hộ sử dụng từ 400 kW trở xuống trong một tháng sẽ phải đóng tiền nhiều hơn; từ khoảng 400kW trở lên sẽ được lợi hơn. Nhưng nếu tiền tăng lên từ số hộ sử dụng 400kW trở xuống không bù đủ phần hụt đi từ các hộ dùng 400kW trở lên - đơn giá 2.701 đồng chưa thuế, thì đơn giá sẽ không chỉ là 2.110 đồng mà còn cao hơn.
>> Hai cách phát hiện bị ăn gian tiền điện
Do điện không khuyến khích sử dụng nhiều nên tiết kiệm điện là ích nước, lợi nhà. Còn nhu cầu phải xài thì cứ xài thôi, và nên tìm hiểu cách sử dụng các thiết bị trong nhà sao cho hợp lý. Còn nếu bạn còn nghi ngờ chỉ số điện nhà mình (sau khi kiểm tra các thiết bị điện bằng đồng hồ điện tử), bạn có thể yêu cầu ngành điện kiểm tra.
Khu nhà tôi chốt số điện ngày 4, hồi trước Tết, do không đo được từ xa, thợ ghi điện bỏ giấy thông báo vô nhà tôi, có số điện thoại. Nhận được, tôi gọi lại, đọc số, thế là xong. Vì vậy, tôi nghĩ nhiều trường hợp nếu không thể lấy được chỉ số điện, người ta sẽ lấy chỉ số giống tháng trước nhưng quá nhiều tháng mà không ghi được thì cũng nên xem xét lại.
Tôi đọc thấy thông tin "phúc tra tiền điện mấy triệu hộ" mà phát hoảng. Thời gian phúc tra của mỗi hộ, liên quan đến nhân lực của ngành điện, nhân lực của hộ gia đình, đó không phải là chi phí sao? Rất mong việc giải quyết chủ đề nóng này sẽ được tiến hành nhanh, gọn, ít chi phí. Tôi nghĩ, nỗ lực phải đến từ cả hai phía, nhất là người tiêu dùng nên tìm hiểu về điện, còn ngành điện nên phát tờ rơi về cách xem đồng hồ, cách sử dụng tiết kiệm... như phát tờ rơi khi dịch Covid-19, sau đó nhà nào vẫn muốn kiểm tra lại thì kiểm tra.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.
Núi Cao