Mấy hôm nay, tôi thấy mọi người tranh luận khá nhiều về vấn đề dùng điện như tháng trước, thậm chí ít hơn mà tiền điện tăng gấp 2-3 lần. Tôi xin chia sẻ chút hiểu biết và kinh nghiệm của bản thân - một người đang đang làm trong ngành điện - để mọi người có thể tự đi tìm câu trả lời cho mình.
Thứ nhất, công tơ điện là thiết bị đo đếm điện năng, được thiết kế hoạt động ổn định lâu dài, chính xác với sai số cho phép, có thể hoạt động bình thường trong nhiều loại môi trường. Nhiệt độ mùa hè rất cao đã được nhà sản xuất tính đến và kiểm định xuất xưởng, thường với sai số cho phép dưới 0,07%. Vì vậy không có việc công tơ điện tháng trước quay chậm hay tháng này quay nhanh được.
Thứ hai, theo tôi được biết, bên điện lực chốt chỉ số công tơ thường vào một ngày cố định trong tháng (tất cả các tháng giống nhau), trừ trường hợp bất khả kháng có thể sớm hơn hoặc muộn hơn một, hai ngày. Đối với các hộ dùng điện hàng tháng đã trên 400 kWh (đến bậc giá 6), việc ghi muộn hơn sẽ không ảnh hưởng gì về việc phải trả tiền điện giá cao. Còn đối với những hộ dùng trên 200 kWh (đến bậc giá 4) hay trên 300 kWh (đến bậc giá 5), nếu sử dụng như mọi ngày, việc chốt chỉ số muộn một, hai ngày cũng chỉ khiến chỉ số điện tăng thêm dao động tầm 20-30 kWh. Như vậy, tiền chênh lệch trả ở giá cao không quá 20.000 đồng.
Thứ ba, mọi người nghi ngờ điện lực chốt chỉ số nhầm nhưng tôi nghĩ việc chốt và theo dõi hàng chục triệu hộ gia đình thì chuyện nhầm lẫn tất nhiên sẽ có nhưng rất ít. Việc này rất đơn giản, mọi người có thể kiểm tra rất dễ dàng. Các bạn chỉ cần ghi chép chỉ số công tơ và số thực dùng hàng tháng và tự mình so sánh với chỉ số công tơ trên cột. Đối với một số công tơ treo quá cao hoặc bạn không biết xem công tơ điện tử thì mọi người có thể lắp thêm công tơ cơ ở trong gia đình, sau công tơ chính. So sánh chỉ số trên công tơ phụ với chỉ số trên hóa đơn không lệch nhiều là có thể yên tâm. Những ai có người nhà làm bên điện lực có thể hỏi trực tiếp để hiểu việc chốt chỉ số nhầm như vậy họ rất sợ. Vì họ sẽ mất rất nhiều tiền: tiền thưởng, an toàn, đánh giá xếp loại hàng tháng và còn phải bỏ tiền túi để bù tiền giá cao cho khách hàng... Vậy liệu ai có muốn chốt chỉ số nhầm?
>> Hai cách phát hiện bị ăn gian tiền điện
Thứ tư, các thiết bị điện làm mát vào mùa nóng sẽ hoạt động tốn điện hơn cho dù có cùng công suất.
Thứ năm, các thiết bị điện hay dây dẫn hoạt động lâu ngày sẽ bị già hóa cách điện hay một số nguyên nhân khác dẫn đến chạm chập (xuất hiện dòng rò) nhưng chưa đến mức nhảy attomat (trừ trường hợp lắp thiết bị chống dòng rò như ELCB, RCCB...). Xuất hiện dòng rò cũng sẽ tiêu thụ nhiều điện năng dù thiết bị trong nhà không hoạt động. Mọi người có thể kiểm tra bằng cách tắt hết các thiết bị điện trong nhà rồi kiểm tra công tơ có ghi nhận chỉ số "0"? Đối với công tơ cơ, bạn có thể nhìn đĩa nhôm có quay không? Với công tơ điện tử thì xem qua các thông số dòng và áp. Trường hợp công tơ treo cao hay chưa biết cách xem công tơ điện tử có thể dùng kìm kẹp dòng, kẹp vào dây pha (dây lửa) xem có dòng không?
Thứ sáu, một số hộ gia đình khi chuyển từ công tơ cơ sang công tơ điện tử đôi khi tiền điện sẽ cao hơn một chút vì công tơ điện tử độ nhạy cao hơn, và cũng chính xác hơn. Mọi người có thể lắp công tơ cơ để tiện theo dõi và so sánh sai khác với công tơ điện tử chính. Nếu có bất thường, hãy báo điện lực kiểm định lại và có thể đề nghị chỉ định tổ chức kiểm định độc lập để kiểm tra lại.
Và cuối cùng, mọi người lưu ý, khi tắt thiết bị điện, phải tắt cả nguồn cấp vào thiết bị. Như điều hòa không phải tắt trên điều khiển là xong mà phải tắt cả attomat. Nếu không, điều hòa mỗi giờ tiêu thụ tầm 10-20 W mỗi giờ tùy theo công suất.
>> Bạn có đề xuất gì về chuyện minh bạch tiền điện? Chia sẻ bài viết cho trang Ý kiến tại đây.