Đau đầu mạn tính là tình trạng cơn đau đầu xuất hiện từ 15 lần trở lên mỗi tháng, diễn ra trong ít nhất ba tháng. Các cơn đau đầu ảnh hưởng lớn đến sức khỏe thể chất, tinh thần của người bệnh.
BS.CKII Thân Thị Minh Trung, Phó Khoa Thần kinh, Trung tâm Khoa học Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết tùy nguyên nhân và mức độ cơn đau, người bệnh được điều trị phù hợp như dùng thuốc, thay đổi thói quen sinh hoạt, ăn uống, nghỉ ngơi, tập luyện.
Một trong những kỹ thuật giúp điều trị đau đầu, đau nửa đầu nói chung hiện nay là kích thích từ trường xuyên sọ. Các sóng điện từ tác động vào vùng não tương ứng để cải thiện sóng não, chức năng thần kinh của vùng não đó, hỗ trợ cải thiện bệnh.
Bên cạnh điều trị theo chỉ định của bác sĩ, người bệnh có thể tham khảo thêm các lưu ý sau về lối sống, ăn uống, nghỉ ngơi để góp phần ngăn cơn đau đầu mạn tính khởi phát hoặc tăng nặng.
Tránh tác nhân gây đau đầu: Người bệnh nên ghi lại nhật ký cơn đau, từ đó xác định các yếu tố hay nguyên nhân kích thích.
Nhật ký đau đầu bao gồm thông tin chi tiết về từng cơn đau đầu như vị trí đau, mức độ chóng mặt, nhạy cảm với ánh sáng hoặc âm thanh, kèm đau bụng, nôn mửa. Loại thuốc đang dùng, giờ thức dậy và đi ngủ, bữa ăn chính và phụ cũng giúp bác sĩ đánh giá và cho tư vấn phù hợp.
Tránh lạm dụng thuốc: Người bệnh không nên tùy tiện dùng các loại thuốc gồm giảm đau, thuốc không kê đơn vì dùng kéo dài vì có thể làm cơn đau đầu tăng tần suất và mức độ nặng hơn. Nên tham khảo ý kiến bác sĩ để tránh tác dụng phụ nghiêm trọng.
Ngủ đủ giấc: Trung bình người trưởng thành cần ngủ khoảng 7-8 giờ mỗi đêm. Ngủ và thức giấc cùng một thời điểm mỗi ngày, kể cả cuối tuần và tránh ngủ nướng để tạo nhịp sinh học tốt. Người bị rối loạn giấc ngủ, ngủ ngáy, ngưng thở khi ngủ cần sớm đến bác sĩ khám để điều trị đúng hướng.
Tránh bỏ bữa: Người bệnh nên duy trì những bữa ăn khoa học cùng một thời điểm mỗi ngày. Tránh dùng đồ uống, thực phẩm chứa chất kích thích có thể gây đau đầu như rượu bia, thịt chế biến sẵn. Người béo phì cần lên kế hoạch giảm cân.
Bổ sung thêm tinh chất thiên nhiên như ginkgo biloba (bạch quả), blueberry (việt quất) có thể giúp trung hòa gốc tự do, góp phần cải thiện tuần hoàn máu não, hạn chế tình trạng đau đầu.
Tập thể dục đều đặn: Thường xuyên tập thể dục có tác dụng cải thiện sức khỏe thể chất, tinh thần, góp phần giảm căng thẳng, giảm đau đầu. Người bệnh nên đi khám, tham vấn với bác sĩ để chọn những hoạt động phù hợp như bơi lội, đi bộ, đạp xe. Nên bắt đầu luyện tập từ từ, tránh chấn thương.
Giảm stress: Căng thẳng là tác nhân thường gặp gây ra đau nửa đầu, đau đầu kinh niên. Do đó, mỗi người cần giữ tinh thần lạc quan, vui vẻ, sắp xếp thời gian học tập, làm việc hợp lý. Thực hiện bài tập giảm căng thẳng như thiền, yoga.
Giảm tiêu thụ caffeine: Caffeine trong cà phê có thể giúp giảm đau đầu. Đó là lý do một số loại thuốc đau đầu có chứa hàm lượng caffeine nhất định. Tuy nhiên, lạm dụng hấp thụ caffeine dẫn đến tác dụng phụ, làm cơn đau đầu tiến triển nặng. Người bệnh cần quan sát các triệu chứng của cơ thể để biết dùng bao nhiêu cà phê mỗi ngày phù hợp.
Bác sĩ Minh Trung cho biết người bệnh đau đầu mạn tính không điều trị ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể và tâm lý, làm suy giảm chất lượng sống. Người bệnh nên đến cơ sở y tế có chuyên khoa thần kinh có đủ máy móc hiện đại để khám, cải thiện tình trạng.
Bình An
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh thần kinh tại đây để bác sĩ giải đáp |