Các tĩnh mạch vùng thân dưới khi bị căng, nở ra, trong và sau khi mẹ mang thai thường gây suy giãn thành vết tím nổi bật ở vùng da. Chuyên gia y tế từ Hiệp hội Mẹ mang thai Mỹ cho biết, tùy cơ địa người mẹ và một số yếu tố di truyền, các lằn mạch có thể vẫn ở đó đến một năm sau khi sinh.
Một số chị em có thể bị xuất hiện tĩnh mạch có hình thắt nút, da bị sưng tấy thành vùng. Vùng da âm đạo, mông, bắp chân, bên trong chân, mắt cá hoặc khu vực bàn chân là vị trí phổ biến thường xuất hiện vùng tĩnh mạch suy giãn. Triệu chứng cũng có yếu tố di truyền, gặp phải ở nữ giới có người thân từng mắc triệu chứng. Dưới đây là các cách giúp khắc phục tình trạng.
Lưu ý tư thế ngồi: chị em nên tránh ngồi hoặc đứng trong thời gian dài, không mặc quần áo bó sát người và thường xuyên vận động nhẹ đôi chân.
Dùng tất nén: vớ nén hỗ trợ cải thiện lượng máu đọng ở vùng cẳng chân, thúc đẩy lưu lượng máu từ chân lên tim, giúp ngừa sự giãn nở của các tĩnh mạch.
Tránh giày cao gót: chị em có thể tạm thời dừng mang giày cao gót và nên mang giày dép có gót thấp, hoặc giày bệt để giúp thúc đẩy tuần hoàn máu cho đôi bàn chân.
Vận động thể chất: bác sĩ sản khoa có thể tư vấn bài tập ít tác động đến thể trạng mẹ bầu và mẹ sau sinh, hỗ trợ cụ thể cho vùng thân dưới, như yoga cho mẹ bầu và yoga sau sinh.
Hỗ trợ nhiệt lên vùng bị đau do suy giãn: chị em có thể chườm đá hoặc chườm mát lên các vùng bị ảnh hưởng để giảm sưng.
Ngủ nghiêng bên trái: theo báo cáo nghiên cứu từ Hiệp hội Mẹ mang thai Mỹ, tư thế ngủ nghiêng phía bên trái có thể giúp giảm áp lực từ bụng lên tĩnh mạch chủ dưới, giúp thúc đẩy máu lưu thông ổn định.
Theo dõi cân nặng: chị em nên cân nhắc kiểm soát cân nặng, tránh thừa cân. Khi cân nặng tăng không mong muốn, cơ thể người mẹ có thể bị tăng áp lực lưu thông máu về tim gây suy giãn tĩnh mạch sau sinh. Các chuyên gia y tế gợi ý, phụ nữ mang thai có thể tăng tối đa 13,5 kg.
Giảm ăn muối: lượng muối nạp vào cơ thể mẹ bầu khỏe mạnh không quá 6 gr mỗi ngày. Ăn nhiều muối có thể gây tăng huyết áp gây biến chứng tăng nguy cơ sưng tĩnh mạch, dễ bị lên cân do tích nước, đầy hơi.
Sau sinh nở, mẹ bỉm có thể lưu ý chăm sóc vùng mắt cá chân, cẳng chân, bàn chân bằng một số cách tự nhiên, tiến hành thăm khám với bác sĩ. Chị em lưu ý hạn chế ngồi hoặc đứng trong thời gian dài, mặc quần áo thoải mái, chọn mặc chất liệu vải nhẹ, co giãn tốt; áp dụng chườm mát lên vùng da suy giãn tĩnh mạch gây khó chịu hoặc ngứa. Báo cáo nghiên cứu trên trung tâm y tế Cedars-Sinai cho thấy, phụ nữ không mang thai hoặc đang cho con bú có thể thăm khám để trị liệu laser hoặc liệu pháp xơ hóa (tiêm thu nhỏ các tĩnh mạch).
Mai Trinh (Theo Very Well Health)