Tăng đường huyết là tình trạng có quá nhiều đường trong máu và cơ thể không đủ insulin để giảm lượng đường. Tăng đường huyết ở những người bệnh tiểu đường có thể do những nguyên nhân như ăn quá nhiều tinh bột (carbohydrate), thiếu hoạt động thể chất, căng thẳng do bệnh tật hoặc nhiễm trùng, bỏ thuốc hạ đường huyết hoặc không dùng đủ thuốc...
Các dấu hiệu của tăng đường huyết như lú lẫn, khát, đi tiểu thường xuyên, có ceton trong nước tiểu (được chẩn đoán bằng xét nghiệm que thăm nước tiểu tại nhà), đau dạ dày, buồn nôn hoặc nôn, hụt hơi, hơi thở có mùi ngọt.
Tăng đường huyết cần được điều trị ngay để ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng như tổn thương thần kinh, mô và cơ quan; nhiễm toan ceton do tiểu đường (DKA); hội chứng tăng đường huyết hyperosmolar (HHS). Ngoài việc dùng insulin tác dụng nhanh để giảm lượng đường trong máu thì tập thể dục và uống đủ nước có thể hữu ích. Trong trường hợp khẩn cấp, người bệnh nên đến bác sĩ.
Dưới đây là một số cách giúp hạ đường huyết nhanh tại nhà theo Verywellhealth.
Dùng insulin
Dùng insulin là cách nhanh nhất để giảm lượng đường trong máu. Người mắc bệnh tiểu đường loại một cần dùng insulin tác dụng nhanh hoặc tiêm insulin, tiểu đường loại hai cũng có thể được điều trị bằng insulin liên tục hoặc gián đoạn.
Tiêm insulin dưới da mang lại phản ứng nhanh vì lưu lượng máu tại vị trí tiêm làm tăng tốc độ hấp thụ insulin. Tiêm vào bụng, cánh tay hoặc cơ delta là hiệu quả nhất do lưu lượng máu ở những vị trí này tăng lên so với các vùng cơ thể khác như mông và đùi. Tuy nhiên, các yếu tố như hút thuốc, béo phì và ít hoạt động thể chất có thể làm giảm lưu lượng máu dưới da và làm chậm tốc độ hấp thụ.
Tiêm bắp có thể hiệu quả trong một số trường hợp. Ngoài ra còn có insulin dạng hít cho tác dụng nhanh. Các thử nghiệm lâm sàng cho thấy mặc dù insulin dạng hít nó hiệu quả hơn insulin tiêm, nhưng nó cũng mang lại lợi ích giảm lượng đường trong máu. Tuy nhiên, insulin dạng hít đắt hơn insulin tiêm, không thích hợp cho bệnh nhân bị hen suyễn, ung thư phổi đang hoạt động hoặc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD).

Đo đường huyết giúp phát hiện đường huyết bất thường. Ảnh: Freepik
Tập thể dục
Hoạt động thể chất có thể giúp giảm lượng đường trong máu trong ngắn hạn và dài hạn. Trong khi tập thể dục, cơ thể có khả năng sử dụng insulin để hấp thụ glucose và sử dụng nó làm năng lượng tốt hơn. Trong quá trình co cơ, các tế bào hấp thụ glucose để tạo năng lượng và sử dụng nó cho dù insulin có sẵn hay không, dẫn đến lượng đường trong máu giảm. Hiệu ứng này kéo dài trong 24 giờ hoặc hơn sau khi tập thể dục.
Không có công thức chung việc tập thể dục để giảm lượng đường trong máu. Cơ thể của mỗi người có thể phản ứng khác nhau với tập thể dục. Để hiểu rõ hơn về cách cơ thể phản ứng với tập thể dục, bạn nên kiểm tra lượng đường trong máu trước và sau khi tập luyện. Bạn ghi lại khác biệt về lượng đường trong máu để xem những hoạt động nào hiệu quả nhất trong việc giảm lượng đường trong máu (chẳng hạn như đi bộ với tốc độ nhanh, bơi lội, đi xe đạp...).
Những người có mức đường huyết trên 240 mg/dL nên kiểm tra nước tiểu để tìm ceton trước khi tham gia hoạt động thể chất. Nếu có ceton thì bạn không nên tập thể dục. Ceton là kết quả của việc chất béo dự trữ bị phân hủy để lấy năng lượng. Gan bắt đầu phân hủy chất béo khi không có đủ insulin trong máu để hấp thụ đường huyết vào các tế bào. Khi ceton được sản xuất nhanh chóng và quá nhiều có thể gây ra nhiễm toan ceton tiểu đường (DKA). Ceton có thể khiến lượng đường trong máu tăng cao hơn và bạn có thể cần truyền dịch tĩnh mạch để cân bằng lại.
Uống nước
Nước góp phần kiểm soát bệnh tiểu đường vì nó giúp cơ thể bài tiết glucose. Uống đủ nước góp phần duy trì lượng đường trong máu ở mức bình thường. Khi tăng đường huyết, bạn cần nhiều nước (hoặc chất lỏng không đường) hơn bình thường để giúp thận thải lượng đường dư thừa ra khỏi cơ thể qua đường tiểu tiện.
Uống không đủ nước dẫn đến mất nước và cơ thể phải lấy nước từ các nguồn khác. Cơ thể sẽ bài tiết đường qua nước tiểu, dẫn đến tình trạng mất nước thêm.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC Mỹ) khuyến nghị về lượng nước hàng ngày thay đổi tùy theo các yếu tố như tuổi tác, giới tính, thời kỳ mang thai và tình trạng cho con bú. Người trưởng cần khoảng bốn đến sáu cốc nước mỗi ngày. Nếu bạn đổ mồ hôi khi làm việc hoặc tập thể dục thì nên uống nhiều nước hơn. Tuy nhiên, trường hợp dùng thuốc gây giữ nước, bạn có thể cần ít hơn. Người bệnh nên hỏi bác sĩ về lượng nước phù hợp để giữ lượng đường trong máu ở mức bình thường.
Dùng thuốc tiểu đường
Người bị tiểu đường sẽ được bác sĩ kê đơn insulin để giữ lượng đường trong máu ở mức bình thường. Thiếu những loại thuốc này có thể dẫn đến tăng đường huyết. Các loại thuốc được sử dụng để điều trị bệnh tiểu đường như symlin (thuốc tiêm pramlintide), thuốc precose (acarbose), metformin (biguanide)...
Nếu bạn bỏ lỡ một liều thuốc điều trị tiểu đường thì nên uống ngay khi nhớ ra, nhưng đừng tăng gấp đôi lượng thuốc đã quên quá gần với liều tiếp theo. Điều này có thể gây ra phản ứng bất lợi. Bạn nên tham khảo hướng dẫn thuốc trên bao bì, nếu bỏ lỡ một vài liều thì có thể hỏi ý kiến của bác sĩ.
Tăng đường huyết có thể cần cấp cứu như nhiễm toan ceton, tăng áp lực thẩm thấu do tăng đường huyết. Nếu người bệnh tiểu đường có chỉ số đường huyết từ 300 mg/dL trở lên hoặc lượng đường trong máu cao hơn 180 mg/dL trong hơn một tuần thì nên đến bác sĩ.
Các dấu hiệu cần đến bệnh viện như chỉ số đường huyết liên tục cao, đi tiểu thường xuyên, lượng đường cao trong nước tiểu (được chẩn đoán bằng cách sử dụng thử que thăm glucose tại nhà), cơn khát tăng dần.
Người bệnh tiểu đường nên có kế hoạch quản lý bệnh tiểu đường hàng ngày để ngăn đường tăng. Bạn có thể giảm nguy cơ mắc các biến chứng nghiêm trọng nếu lượng đường huyết ổn định.
Kim Uyên (Theo Verywellhealth)