Ngứa da là một trong những triệu chứng khá phổ biến của bệnh ung thư. Tình trạng này xảy ra do nhiều yếu tố như kích ứng da, tích tụ muối mật dưới da do ung thư, thay đổi nội tiết tố... Tác dụng phụ của hóa trị, xạ trị cũng có thể khiến bệnh nhân cảm thấy ngứa ngáy kèm theo phát ban. Ngứa kéo dài gây khó chịu. Người bệnh có thói quen gãi mạnh dễ hình thành vết loét hở, gây đau hoặc nhiễm trùng. Dưới đây là một số biện pháp giúp kiểm soát ngứa da, trước và cả trong quá trình điều trị ung thư.
Tắm đúng cách: Người bệnh nên tắm nước ấm thay vì nước mát. Nước ấm cung cấp thêm độ ẩm, giúp làm dịu da, tránh kích ứng. Thời gian mỗi lần tắm nên kéo dài khoảng 30 phút, khuyến khích tắm 2-3 lần mỗi ngày. Trong khi tắm nên hạn chế dùng xà phòng và các loại sữa tắm có chất tẩy rửa mạnh, dùng khăn bông sạch, mềm rửa nhẹ nhàng.
Giữ ẩm cho da: Sau khi tắm, bạn vỗ nhẹ cho da khô, không dùng khăn lau quá cứng vì có thể làm tổn thương chỗ ngứa. Người bệnh có thể thoa kem dưỡng da không chứa cồn, không có hương thơm lên da. Thực hiện việc này 2-3 lần mỗi ngày.
Uống nhiều nước: Mất nước là một nguyên nhân khác khiến người bệnh ung thư cảm thấy ngứa ngáy. Do đó, mọi người nên uống nhiều nước hơn mỗi ngày, nhất là trong thời gian điều trị ung thư. Ngoài nước lọc, các loại nước trái cây, súp, nước hầm xương... cũng giúp bổ sung nước cho cơ thể, tránh mất nước.
Tránh các tác nhân gây ngứa: Người bệnh ung thư nên tránh các tác nhân gây ngứa như quần áo làm bằng len, sợi tổng hợp hoặc vải cứng, chất khử mùi cơ thể. Chọn chất tẩy rửa nhẹ, không mùi để giặt quần áo và ga trải giường. Bạn có thể thêm giấm vào nước khi xả quần áo để loại bỏ dấu vết của chất tẩy rửa.
Mặc quần áo thoáng khí, rộng rãi: Mặc quần áo rộng rãi và quần áo làm từ cotton hoặc các loại vải mềm khác để tránh bị kích ứng da.
Dùng kem bôi da: Một số phương pháp điều trị không kê đơn như kem bôi da, thuốc giảm ngứa có thể giúp bạn đỡ khó chịu. Tuy nhiên bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ và đọc nhãn sản phẩm để xem thành phần trước khi sử dụng.
Chườm mát: Bạn cũng có thể dùng một chiếc khăn mát hoặc thấm nước đá để chườm quanh khu vực bị ngứa. Thao tác thực hiện nhẹ nhàng, không chà xát lên vùng da ngứa vì dễ gây tổn thương.
Để tránh da bị tổn thương, người bệnh nên cắt móng tay ngắn, sạch sẽ, xoa nhẹ nhàng thay vì gãi quá mạnh. Có thể cố gắng đánh lạc hướng bản thân bằng âm nhạc, đọc sách và bầu bạn với những người khác để quên đi cảm giác ngứa.
Người bệnh cần sớm liên hệ bác sĩ nếu bị ngứa và cảm giác không biến mất sau hai ngày trở lên, da chuyển vàng, nước tiểu có màu trà; vùng da ngứa bị hở và trầy xước, phát ban nặng, có mụn nước, da đỏ tươi hoặc đóng vảy trên da...
Anh Chi (Theo Medical News Today)