Bệnh tiểu đường thường đi đôi với mức cholesterol trong máu không ổn định. Nếu kiểm soát lượng đường trong máu tốt nhưng không chú ý, người bệnh tiểu đường có nguy cơ mắc các vấn đề về cholesterol cao. Cholesterol cao trong máu ở người tiểu đường làm tăng nguy cơ xơ vữa động mạch và mắc một số vấn đề tim mạch khác. Dưới đây là một số bước thay đổi để giữ cho mức cholesterol của người bệnh tiểu đường ổn định.
Tuân thủ nguyên tắc ăn uống lành mạnh
Quản lý cả bệnh tiểu đường và mức cholesterol là tìm cách bổ sung dinh dưỡng, cân đối lượng carbohydrate, cholesterol, chất béo bão hòa trong chế độ ăn uống.
Theo dõi tổng lượng carbohydrate: Theo Viện Quốc gia về Bệnh tiểu đường, Tiêu hóa và Bệnh thận của Mỹ (NIDDK), đối với người mắc tiểu đường, nhất là người đang dùng insulin, chỉ nên tiêu thụ khoảng 40-50% calo từ carbohydrate.
Thêm đường: Người bệnh tiểu đường nên giữ lượng đường bổ sung ở mức dưới 10% lượng calo mỗi ngày, để đảm bảo không gây ảnh hưởng xấu đến cholesterol trong máu.
Chất béo bão hòa: Chất béo bão hòa được tìm thấy trong các loại thực phẩm như protein động vật, thịt chế biến, dầu thực vật, các sản phẩm từ sữa... làm tăng mức cholesterol xấu (LDL) trong cơ thể. Các chuyên gia khuyến cáo nên nạp ít hơn 10% tổng lượng calo hàng ngày từ chất béo bão hòa. Chất béo tốt có nhiều trong các thực phẩm như cá béo, cá hồi, cá tuyết, hạt lanh, quả óc chó...
Ăn nhiều chất xơ: Chất xơ có ích cho việc giảm cân vì nó không thể tiêu hóa, không bổ sung calo vì cơ thể không hấp thụ. Chất xơ hòa tan, được tìm thấy trong các loại thực phẩm như đậu, táo và bột yến mạch, giúp giảm cholesterol xấu, giữ mức đường huyết ổn định. Phụ nữ mắc bệnh tiểu đường nên tiêu thụ 25g chất xơ mỗi ngày, nam giới nhiều hơn với 38g.
Ngoài việc tuân theo các hướng dẫn về chế độ ăn uống dành cho sức khỏe nói chung, giúp theo dõi lượng đường trong máu nói riêng, người bệnh tiểu đường có thể áp dụng những cách sau nhằm kiểm soát bệnh tiểu đường và duy trì mức cholesterol khỏe mạnh.
Giảm cân
Nếu bạn thừa cân hoặc béo phì, chỉ cần giảm 5-10% trọng lượng có thể có tác động tích cực rất lớn đối với cả bệnh tiểu đường và mức cholesterol. Cân nặng hợp lý giúp giảm lượng đường trong máu, hạ huyết áp, cải thiện lượng mỡ trong máu.
Chơi thể thao
Hoạt động thể chất đốt cháy calo, đó là lý do tại sao tập thể dục luôn được khuyến nghị như một phần của kế hoạch giảm cân, đặc biệt đối với người mắc bệnh tiểu đường. Tập thể dục cũng được chứng minh giúp giảm mức cholesterol toàn phần.
Hiệp Hội Tim mạch Mỹ khuyên, mỗi người nên tập thể dục nhịp điệu cường độ vừa phải 150 phút mỗi tuần. Bất kỳ hoạt động thể chất nào cũng tốt cho sức khỏe tổng thể.
Bỏ thuốc lá
Hút thuốc ảnh hưởng đến cả mức cholesterol HDL và LDL. Hút thuốc lá có liên quan đến đẩy nhanh quá trình oxy hóa cholesterol xấu góp phần gây xơ vữa động mạch, tác động xấu đến bệnh tiểu đường.
Anh Chi (Theo Very Well Health)