Tôi bị viêm mũi xoang mạn tính và cứ mỗi khi trời trở lạnh thì thường bệnh diễn tiến nặng hơn, rất khó chịu. Mong bác sĩ hướng dẫn một số cách giúp người bệnh dễ chịu hơn, phòng tránh biến chứng nặng vào mùa đông. (Bảo Như, ngụ Hà Nội)
Trả lời:
Theo PGS.TS.BS Lê Minh Kỳ (Khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh), viêm mũi xoang là bệnh dai dẳng và dễ tái phát. Nếu điều trị không đúng sẽ dễ chuyển thành viêm mũi xoang mạn tính, gây nhiều phiền toái cho người bệnh. Bác sĩ sẽ điều trị viêm mũi xoang dựa vào nguyên nhân (nhiễm virus, vi khuẩn, nấm, tác nhân gây dị ứng, bất thường cấu trúc trong mũi, lạm dụng thuốc...), có thể kê đơn thuốc uống, thuốc xịt hoặc phẫu thuật tùy từng trường hợp.
Song song đó, người bệnh viêm mũi xoang thường trở nặng và có nhiều triệu chứng khó chịu khi thời tiết lạnh, cần lưu ý:
- Luôn giữ ấm cơ thể, nhất là giữ ấm vùng cổ, miệng và mũi. Quàng khăn hoặc kéo cao cổ áo khi ra ngoài, đeo khẩu trang giúp mũi tránh hít phải không khí lạnh trực tiếp.
- Đánh răng, súc họng hàng ngày giúp loại bỏ chất tiết đọng ở họng miệng và dịch từ mũi chảy xuống họng.
- Có thể rửa mũi bằng nước muối sinh lý vài lần/ ngày, chú ý ngâm ấm dung dịch trước khi rửa mũi. Có thể dùng các chế phẩm nước muối biển dạng xịt để xịt mũi, vừa làm sạch mũi, vừa làm ẩm niêm mạc mũi.
- Xông mũi bằng hơi nước ấm cũng là một biện pháp làm sạch và ấm niêm mạc mũi.
- Uống nước đầy đủ, nên dùng nước ấm để cung cấp đủ nước cho cơ thể, sản sinh ra các dịch tiết bề mặt niêm mạc, trong đó có niêm mạc mũi xoang.
- Nên tắm bằng nước ấm và tránh ngâm mình quá lâu trong nước, tắm trong không gian kín gió để tránh bị nhiễm lạnh khi tắm.
- Chế độ ăn uống cân đối, không lạm dụng các chất kích thích như bia rượu, thuốc lá... kèm theo tập thể dục đều đặn giúp nâng cao sức đề kháng của cơ thể.
Khi có các triệu chứng của viêm mũi xoang, đã áp dụng các biện pháp hỗ trợ tại nhà mà không cải thiện, bạn nên đến khám chuyên khoa Tai Mũi Họng để được các bác sĩ thăm khám, không nên tự ý dùng thuốc.
Ngọc An