Trào ngược dạ dày thực quản xảy ra khi thức ăn, dịch dạ dày, không khí trào ngược từ dạ dày lên thực quản. Thạc sĩ, bác sĩ Thân Thị Thùy Linh, khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết đây là tình trạng phổ biến ở trẻ nhũ nhi.
Đa số trẻ trào ngược dạ dày sinh lý do dạ dày chưa phát triển hoàn chỉnh, kích thước nhỏ. Một số trẻ bị trào ngược dạ dày do bệnh lý như viêm ruột, nhiễm trùng, dị ứng thực phẩm hoặc đạm sữa bò, bại não... Những bất thường vùng bụng như thoát vị hoành, hẹp môn vị, màng ngăn tá tràng... ảnh hưởng chức năng co bóp của dạ dày, đường tiêu hóa của trẻ cũng là nguyên nhân.
Lúc này, tình trạng trào ngược thường xuyên tái phát. Axit trong dịch vị dạ dày tràn vào vùng hầu họng khiến dây thanh quản dày lên, dẫn đến khàn tiếng, mòn răng. Trẻ có nguy cơ gặp biến chứng suy dinh dưỡng, viêm mũi họng, viêm tai, viêm xoang, hen suyễn, viêm loét thực quản, viêm phổi hít... Trường hợp nghiêm trọng bé có thể bị sặc, suy hô hấp do hít phải chất nôn.
Chăm sóc đúng cách giúp bé giảm khó chịu, ngăn ngừa biến chứng. Bác sĩ Thùy Linh gợi ý một số cách dưới đây cải thiện tình trạng trào ngược dạ dày cho trẻ.
Điều chỉnh chế độ ăn uống, chia nhỏ cữ ăn trong ngày với lượng vừa đủ để giảm áp lực lên dạ dày. Cho bé ăn trước khi ngủ ít nhất 1-2 giờ. Hạn chế cho bé ăn quá no, ăn thực phẩm chiên rán nhiều dầu mỡ, đồ chua cay, chocolate...
Nước ngọt có gas có hàm lượng đường cao, chứa khí carbon dioxide gây ợ hơi thường xuyên, khiến lượng axit từ dạ dày thoát ra thực quản, tăng các triệu chứng trào ngược. Nước ép cam, quýt chứa các hợp chất axit ascorbic có thể gây khó tiêu, tăng triệu chứng ợ hơi, kích ứng niêm mạc thực quản, hạn chế cho bé uống.
Cha mẹ cho trẻ uống đủ nước, ăn thêm trái cây, rau củ mềm như các loại đậu, súp lơ, rau bí, bắp cải, rau bí, bánh mì, bột yến mạch... Bổ sung thêm probiotic từ sữa chua hoặc một số loại men vi sinh giúp cải thiện hệ vi sinh đường ruột, hỗ trợ tiêu hóa. Nếu trẻ bị trào ngược do dị ứng sữa bò, không dung nạp đường lactose hoặc các thành phần khác trong thực phẩm, phụ huynh cần tham khảo bác sĩ xây dựng thực đơn phù hợp với tình trạng.
Phụ huynh cho bé bú hoặc ăn uống cần giữ đầu cao hơn thân. Nếu bé bú mẹ, hãy cho bú bên ngực trái trước để trẻ được nằm nghiêng về bên phải, sau đó mới chuyển ngực bên phải. Lúc này, dạ dày của trẻ có nhiều sữa, bé nằm nghiêng bên trái hạn chế nôn trớ. Với bé bú bình, phụ huynh cần cho bé bú đúng khớp ngậm để trẻ bú liên tục, núm vú luôn đầy sữa để hạn chế không khí đi vào dạ dày. Sau khi bú, mẹ nên bế bé ở tư thế đầu cao khoảng 30 phút và vỗ ợ hơi rồi mới cho trẻ nằm.
Tránh cho trẻ ăn, bú khi quấy khóc do bé có khả năng nuốt nhiều không khí, dẫn đến đầy hơi, căng dạ dày, tăng nguy cơ trào ngược. Thiết lập thời gian ăn, ngủ đúng giờ, tránh đặt bé nằm ngay sau ăn. Tốt nhất nên giữ trẻ ở tư thế thẳng đứng sau khi ăn khoảng 20-30 phút, bế trẻ sơ sinh dựa vào vai người lớn. Vỗ nhẹ lưng cho trẻ ợ hơi để giảm tình trạng trào ngược.
Thường xuyên massage vùng bụng cho bé bằng dầu ô liu hoặc dầu dừa theo chiều kim đồng hồ khoảng 10-15 phút mỗi ngày giúp kích thích dây thần kinh phế vị trong não, hỗ trợ tiêu hóa, giảm đầy hơi. Một số động tác vận động như co duỗi chân, đạp xe... cũng giảm chướng bụng, đầy hơi. Phụ huynh không nên massage, tập vận động cho trẻ ngay sau khi ăn.
Tránh để bé mặc quần áo quá chật hoặc vận động mạnh ngay sau ăn để hạn chế áp lực lên dạ dày. Khi bé nằm, phụ huynh nên kê gối cao khoảng 15-20 độ, nghiêng về bên trái. Cha mẹ có thể tham khảo bác sĩ sử dụng một số loại gối chống trào ngược để giữ tư thế tối ưu cho trẻ. Với những bé nhạy cảm với môi trường xung quanh, hãy giữ không gian sống yên tĩnh, tránh kích động cũng hạn chế căng thẳng, cải thiện tình trạng tiêu hóa.
Theo bác sĩ Thùy Linh, bé thường xuyên nôn ói, khóc nhiều, biếng ăn, sụt cân, trào ngược dạ dày nhưng các biện pháp thay đổi lối sống, sinh hoạt không cải thiện, phụ huynh cần đưa con đi khám. Nếu tình trạng trào ngược nguy hiểm, bác sĩ có thể điều trị cho bé bằng thuốc hoặc phẫu thuật.
Trịnh Mai
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh trẻ em tại đây để bác sĩ giải đáp |