Gan nhiễm mỡ là tình trạng mỡ thừa tích tụ trong tế bào gan, gây viêm và tổn thương gan. Bệnh thường diễn tiến âm thầm trong thời gian dài, không có triệu chứng rõ ràng do nhiều yếu tố như béo phì, ăn uống không lành mạnh, kháng insulin, lạm dụng rượu bia...
Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Trường Khanh, Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết bệnh không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm như xơ gan, suy gan, ung thư gan, tăng áp lực tĩnh mạch cửa... Người bệnh gan nhiễm mỡ giai đoạn đầu có thể cải thiện mức độ nhiễm mỡ bằng nhiều cách dưới đây.
Giảm cân khoa học
Béo phì là yếu tố nguy cơ hàng đầu dẫn đến bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu. Khi cơ thể thừa mỡ, mỡ nội tạng (bao gồm ở gan) tích tụ nhiều hơn, làm tăng mức độ viêm và tổn thương gan. Giảm cân theo hướng dẫn của bác sĩ có thể giảm lượng mỡ tích tụ trong gan an toàn cho sức khỏe, góp phần cải thiện khả năng chuyển hóa insulin và giảm tình trạng kháng insulin. Kháng insulin là tình trạng các tế bào trong cơ thể không sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả hormone này, dẫn đến tăng lượng đường trong máu, làm tăng mỡ trong gan, gây viêm.
Theo bác sĩ Khanh, người béo phì giảm khoảng 5-10% trọng lượng cơ thể có thể giảm đáng kể mức độ viêm và mỡ trong gan. Nếu giảm cân từ 0,5 kg đến 1kg một tuần thì các tế bào gan có thể phục hồi, chức năng gan được cải thiện rõ rệt.
Ăn uống lành mạnh
Người bị viêm gan nên ăn uống cân bằng, giàu chất xơ, vitamin và chất béo lành mạnh. Thực phẩm giàu chất xơ như rau, quả, ngũ cốc nguyên hạt... giúp cải thiện quá trình tiêu hóa, giảm hấp thu mỡ, từ đó giảm mỡ gan. Chế độ ăn giàu chất béo lành mạnh như dầu ô liu, cá hồi, hạt chia... góp phần giảm viêm, bảo vệ và tăng cường sức khỏe cho gan. Trà xanh là một loại polyphenol có đặc tính chống oxy hóa, có tác dụng giảm stress oxy hóa trong gan, bảo vệ gan khỏi tổn thương.
Người bệnh cần hạn chế đồ ăn uống nhiều đường, chất béo bão hòa, thực phẩm chế biến sẵn, rượu bia... để tránh làm gia tăng mỡ trong gan, tạo viêm mạn tính dẫn đến xơ gan.
![[Caption]Nên ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ, dễ tiêu hóa, tốt cho gan. Ảnh: Lục Bảo](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2025/02/21/z6338781286799-0a4e2c584ff4098-7946-9844-1740124552.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=8PPwB-F2oxS-m2Qv4L6FYw)
Ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ, dễ tiêu hóa, tốt cho gan. Ảnh: Lục Bảo
Tập thể dục thường xuyên
Vận động thể chất làm giảm mỡ nội tạng và mỡ gan, từ đó cải thiện tình trạng viêm. Một số bài tập như chạy bộ, bơi lội, đạp xe... giúp đốt cháy calo và mỡ trong cơ thể, tăng cường cơ bắp, tăng quá trình trao đổi chất, giảm mỡ gan.
Ngủ đủ giấc và giảm căng thẳng
Thiếu ngủ và stress kéo dài có thể làm tăng mức độ viêm, giảm khả năng phục hồi gan. Hai yếu tố này thúc đẩy tăng sản sinh cortisol, một hormone stress có thể kích thích tích tụ mỡ trong cơ thể, nhất là trong gan. Người bệnh nên sắp xếp thời gian khoa học, ngủ 7-8 giờ mỗi đêm và sâu giúp phục hồi cơ thể, giảm viêm mạn tính. Trong khi ngủ, cơ thể có thể tái tạo tế bào gan, sửa chữa tổn thương.
Căng thẳng kéo dài kích hoạt hệ thần kinh giao cảm, tăng lượng glucose trong máu dẫn đến kháng insulin, nguy cơ cao gây gan nhiễm mỡ. Giảm căng thẳng thông qua các bài tập thư giãn như yoga, thiền, thở sâu... mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.
Kiểm soát đường huyết và mỡ máu
Tiểu đường type 2 và cholesterol cao là yếu tố nguy cơ làm trầm trọng thêm tình trạng gan nhiễm mỡ. Bác sĩ Khanh lưu ý kiểm soát đường huyết rất quan trọng với người mắc bệnh viêm gan nhiễm mỡ. Khi cơ thể không sử dụng insulin hiệu quả, lượng đường trong máu tăng cao, chuyển thành mỡ và tích tụ trong gan. Người bệnh nên điều chỉnh chế độ ăn uống, tập thể dục, sử dụng thuốc kiểm soát đường huyết nếu có chỉ định... nhằm ngăn ngừa kháng insulin, cải thiện viêm gan. Phát hiện sớm và can thiệp kịp thời gan nhiễm mỡ có thể giảm nguy cơ biến chứng, cải thiện sức khỏe.
Lục Bảo
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiêu hóa tại đây để bác sĩ giải đáp |