Chụp nhũ ảnh giúp phát hiện tổn thương nhỏ ở tuyến vú mà không thể phát hiện bằng mắt thường hay sờ, nắn. Phương pháp này nhanh chóng, hiệu quả, không xâm lấn và ít tốn kém, thời gian thực hiện khoảng 30 phút. Chụp nhũ ảnh có hai mục đích chính là tầm soát và chẩn đoán.
Thạc sĩ, bác sĩ Huỳnh Bá Tấn, khoa Ngoại Vú, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết chụp nhũ ảnh chẩn đoán được chỉ định cho phụ nữ đã có khối u bất thường ở ngực, đau ngực, tiết dịch nhũ hoa, da ngực dày lên, nhũ hoa đảo ngược, co kéo nhũ hoa, hoặc không có triệu chứng nhưng có bất thường trên siêu âm vú. Với chụp nhũ ảnh tầm soát, giúp phát hiện thay đổi ở ngực ở phụ nữ chưa có triệu chứng ung thư vú.
Bác sĩ Bá Tấn lưu ý phụ nữ đặt một bên ngực giữa hai bản ép để ép chặt ngực khi chụp nhũ ảnh. Ép ngực tạo cảm giác khó chịu, đau nhẹ nhưng chỉ trong vài giây. Thao tác này giúp cố định ngực, dàn mỏng tuyến vú, hạn chế nhiễu ảnh, nhòe hình, thu được hình ảnh rõ ràng tất cả mô. Từ đó, bác sĩ có thể nhìn thấy bất thường nhỏ trong tuyến vú. Ép chặt ngực còn giúp tia X xuyên thấu tốt hơn, hạn chế liều tia X, giảm tác hại của tia phóng xạ, giảm khuếch tán của tia X đến các mô khác.
Để giảm đau khi chụp nhũ ảnh, phụ nữ nên đi khám ngực vào khoảng 7-10 ngày sau hành kinh. Lúc này, tuyến vú hết căng đau, ép mô vú vừa đảm bảo đúng mức độ vừa giảm khó chịu. Trong quá trình chụp nhũ ảnh nên thả lỏng cơ thể, làm theo hướng dẫn của kỹ thuật viên như giữ chân và thân hướng về phía máy, tránh đau ngực do vặn người.

Một phụ nữ chụp nhũ ảnh tầm soát ung thư vú tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh hồi tháng 7/2023 . Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Không dùng phấn phủ, chất khử mùi, nước hoa, không bôi thuốc mỡ hoặc kem lên ngực hoặc vùng nách để tránh tạo các hình ảnh giả trên phim chụp, có thể lầm với các nốt vôi hóa.
Bác sĩ Bá Tấn dẫn các nghiên cứu cho thấy chụp nhũ ảnh an toàn với phụ nữ mang thai. Tuy nhiên, để tránh lo lắng cho bệnh nhân, thông thường bác sĩ hạn chế chỉ định chụp nhũ ảnh ở phụ nữ mang thai.
Chụp nhũ ảnh cũng không ảnh hưởng đến sữa mẹ nên ngay sau khi chụp, mẹ vẫn có thể cho con bú. Tuy nhiên, đọc kết quả nhũ ảnh của phụ nữ cho con bú có thể gặp khó khăn nên bác sĩ ít khi chỉ định chụp nhũ ảnh trên bệnh nhân nuôi con bằng sữa mẹ trừ khi thật sự cần thiết.
Với phụ nữ có đặt túi ngực, trước khi chụp nhũ ảnh nên thông báo với kỹ thuật viên để chọn tư thế chụp phù hợp, tránh lực ép quá mạnh tác động lên mô tuyến vú, túi ngực. Chụp nhũ ảnh chỉ cần lấy hình ảnh của mô tuyến vú phía trước, lực ép lên túi ngực không đáng kể.
Phụ nữ từ 40 tuổi trở lên nên chụp nhũ ảnh tầm soát mỗi năm một lần. Phụ nữ thuộc nhóm nguy cơ cao như tiền sử gia đình có người mắc ung thư vú, có bất thường ở ngực nên chụp nhũ ảnh tầm soát ung thư vú sớm.
Nguyễn Trăm
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh ung thư tại đây để bác sĩ giải đáp |