Trả lời:
Trắng lưỡi là hiện tượng thường gặp ở trẻ sơ sinh có thể do đọng sữa hoặc trẻ mắc bệnh do vi nấm. Ngoài ra, nếu bé chào đời trong vòng 2 tháng đầu gặp tình trạng trắng lưỡi có thể do mẹ vệ sinh kém, sữa đọng tại lưỡi. Tình trạng thường gặp ở trẻ dùng sữa công thức, hoặc ở những bé có thói quen ngậm sữa khi ngủ.
Nếu trẻ bị nấm miệng, chủ yếu do nấm candida albicans sống ký sinh, khi gặp điều kiện thuận lợi trở thành tác nhân gây bệnh. Lúc này bé có xuất hiện các màng giả mạc màu trắng ở niêm mạc miệng, nhiều trên lưỡi. Màng giả mạc này khó bóc, nếu bóc đi dễ chảy máu, đau rát, trẻ có thể chán ăn, bỏ bú. Nếu nặng bé có thể bị tiêu chảy, ho, viêm phế quản phổi...
Việc phân biệt trẻ bị đọng sữa hay nhiễm nấm miệng rất khó vì hai tình trạng có biểu hiện tương tự nhau. Mẹ có thể thử lau sạch cặn bẩn bằng một miếng gạc đã nhúng qua nước ấm. Nếu các vệt trắng mờ dần, có thể khẳng định bé chỉ bị sót sữa trong miệng. Đọng sữa chỉ xuất hiện sau khi con bú mẹ, các mảng trắng không tồn tại ở bất kỳ khu vực nào khác.
Đối với trường hợp bị đọng sữa, phụ huynh cần lưu ý rơ lưỡi, vệ sinh miệng ngày 2 lần cho trẻ. Tuy nhiên, việc này gây khó chịu, trẻ có thể khóc. Vì thế, trước khi tiến hành, mẹ cần trò chuyện với con, vui đùa, giúp bé quên đi việc mẹ đang vệ sinh miệng. Người lớn lưu ý không rơ lưỡi sau khi trẻ vừa ăn no, nên tiến hành trước bữa ăn 30 phút, tránh để bé khó chịu, nôn ói. Phụ huynh không nên cạy những chấm trắng trên lưỡi vì có thể sẽ gây chảy máu, tăng nguy cơ nhiễm trùng. Người lớn cũng không sử dụng mật ong để rơ lưỡi cho trẻ dưới 12 tháng tuổi.
Thực tế, việc chọn lựa thuốc an toàn điều trị bệnh nấm miệng ở trẻ sơ sinh khó khăn. Do đó, khi nghi ngờ con bị nấm lưỡi, phụ huynh nên đưa trẻ đi khám để bác sĩ để điều trị phù hợp, không tự ý dùng thuốc. Phần lớn trẻ chỉ dùng các thuốc dạng bột, pha cùng nước nhúng vào gạc rơ lưỡi.
Trẻ bị nấm lưỡi vẫn có nguy cơ tái phát. Để phòng bệnh, ngoài vệ sinh răng miệng đúng cách, người lớn cần vệ sinh bình, dụng cụ cho trẻ ăn mỗi bữa; vệ sinh miệng cho bé hàng ngày bằng dung dịch NaCl 0,9% hoặc nước đun sôi để nguội 2 lần/ngày... Nếu nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ, mẹ cần lưu ý luôn làm sạch đầu ti trước, kể cả sau khi cho trẻ bú. Những trẻ bị nấm miệng khi bú mẹ có thể làm vú mẹ bị nhiễm nấm nếu không vệ sinh đúng cách.
BSCKII Phạm Lê Mỹ Hạnh
Trưởng khoa Sơ sinh, Trung tâm Sơ sinh, BVĐK Tâm Anh TP HCM