Người tiểu đường nên chọn thực phẩm giàu dinh dưỡng, đa dạng các nhóm chất để làm chậm quá trình tiêu hóa, ít ảnh hưởng đến lượng đường trong máu, phòng biến chứng. Dưới đây là một số mẹo chọn thực phẩm có lợi cho người bệnh.
Trái cây
Chỉ số đường huyết (GI) trong thực phẩm càng thấp thì càng ít có khả năng làm tăng đường huyết đột biến. Người tiểu đường nên chọn trái cây giàu chất xơ, chỉ số GI thấp như dâu tây, việt quất, nho, táo, ổi. Hạn chế trái cây có GI cao như dưa hấu, dứa, nho khô, trái cây sấy khô hoặc tẩm ướp đường, chất làm ngọt, sầu riêng. Tốt nhất kết hợp trái cây trong hoặc sau bữa ăn đầy đủ chất béo lành mạnh và protein để làm chậm quá trình chuyển hóa carbs trong trái cây.
Rau củ
Rau củ được phân thành hai loại chính là có tinh bột và không có tinh bột. Cả hai loại rau đều có lợi, nhưng người bệnh nên ưu tiên rau không có tinh bột. Bởi chúng có hàm lượng carbs, cung cấp chất xơ, vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa, ít tác động đến đường huyết.
Các loại rau không có tinh bột bao gồm măng tây, cà rốt, cà tím, hành tây, ớt chuông, cà chua, rau họ cải (bông cải xanh, bắp cải, súp lơ)... Những loại rau này cũng chứa chất xơ prebiotic quan trọng cho sức khỏe đường ruột, giúp kiểm soát lượng đường trong máu tốt hơn.
Rau có tinh bột gồm bí đỏ, khoai lang, đậu Hà Lan, ngô, khoai tây trắng. Dù chúng chứa chất xơ, chất chống oxy hóa và các chất dinh dưỡng quan trọng khác như vitamin A, vitamin C, kali nhưng ăn nhiều có thể làm tăng đường huyết.

Rau bắp cải thuộc nhóm rau không chứa tinh bột, ít ảnh hưởng đường huyết. Ảnh: Bùi Thủy
Ngũ cốc nguyên hạt
Có hai loại ngũ cốc là nguyên hạt và tinh chế. Ngũ cốc bao gồm lúa mì, gạo, yến mạch, bột ngô hoặc lúa mạch... Ngũ cốc nguyên hạt giữ nguyên các thành phần của hạt, bao gồm cám, mầm và nội nhũ, hàm lượng chất xơ cao hơn, chứa nhiều khoáng chất hơn so với ngũ cốc tinh chế.
Protein
Protein có trong nhiều nguồn thực phẩm khác nhau như động vật, thực vật, cá, phô mai và trứng. Các nguồn protein tốt bao gồm trứng, cá béo, các loại đậu (đậu, đậu lăng, đậu gà), các loại hạt, gà hoặc gà tây không da, đậu phụ... Người bệnh tiểu đường nên hạn chế ăn protein từ các món chiên rán, thịt chế biến sẵn hoặc thực phẩm có hàm lượng chất béo bão hòa cao, vì chúng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim.
Sữa
Người bệnh nên chọn sản phẩm sữa ít béo hoặc không béo từ phô mai, sữa, sữa chua để kiểm soát tốt đường huyết. Tiêu thụ sữa ít béo có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường ở người bị tiền tiểu đường.
Người bệnh tiểu đường cần hạn chế bánh mì trắng, mì ống làm từ bột mì trắng, gạo trắng. Tránh các món ăn nhiều đường và muối vì có thể làm tăng đường huyết và huyết áp. Hạn chế uống rượu, không hút thuốc lá để hỗ trợ kiểm soát đường huyết, phòng biến chứng.
Anh Chi (Theo Health)
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiểu đường tại đây để bác sĩ giải đáp |