Người bệnh tiểu đường phải luôn chú ý ăn uống để kiểm soát lượng đường trong máu. Thức ăn nhanh, bán sẵn thường chứa nhiều carbs, chất béo bão hòa và đường bổ sung không tốt cho người bệnh và việc kiểm soát đường huyết. Tuy nhiên, đôi khi bạn phải tiêu thụ thức ăn này vì công việc bận rộn hoặc lý do nào đó. Nếu biết cách lựa chọn, người bệnh có thể dễ dàng đưa những món ăn tiện lợi vào kế hoạch ăn uống mà vẫn giữ đường huyết ổn định.
Người bệnh phải nhớ các nguyên tắc phổ biến trong chế độ ăn uống với bệnh tiểu đường để từ đó lựa chọn món ăn cho phù hợp. Nguyên tắc đầu tiên là ăn nhiều rau tươi, hạn chế tinh bột. Rau củ tươi chứa nhiều chất dinh dưỡng, ít chất béo và calo, chỉ số đường huyết (GI) thấp. Thực phẩm này không khó tìm trong thực đơn đồ ăn nhanh, cửa hàng bán thức ăn sẵn.
Thứ hai, bạn cần chú ý kiểm soát khẩu phần ăn khi ăn ngoài hoặc mua thức ăn nhanh. Nếu ăn tại quán ăn hay nhà hàng, bạn chia đĩa thành ba phần và dành 1/3 cho rau xanh không chứa tinh bột, một phần cho protein nạc (thịt gà, thịt heo nạc...) và phần còn lại cho ngũ cốc hoặc các loại đậu (thực phẩm) giàu chất xơ khác. Đối với trái cây, người bệnh nên tránh trái cây chứa nhiều đường và chỉ ăn giới hạn từ hai đến ba khẩu phần mỗi ngày, kể cả trái cây sấy khô.
Thứ ba là duy trì một lượng carb nhất định mỗi ngày. Người bệnh cố gắng ăn cùng một lượng carbohydrate trong mỗi bữa ăn hàng ngày, ví dụ 45 g carb vào bữa sáng và bữa trưa, 15 g cho bữa ăn nhẹ và 60 g cho bữa tối. Người bệnh cần hạn chế hoặc tránh carb tinh chế, đã qua chế biến như bánh mỳ trắng, mỳ sợi, cơm trắng, thực phẩm và thức uống có nhiều đường như nước trái cây đóng hộp, kẹo, bánh và đồ ngọt khác.
Ví dụ, nếu bạn mua bánh mỳ nên chọn bánh mỳ kẹp thịt gà, cá, thịt heo nạc hoặc bò nướng, nếu bánh mỳ làm từ ngũ cốc nguyên hạt thì càng tốt. Các món ăn kèm cho bánh mỳ, burger hay sandwich nên là rau (xà lách, cà chua, hành tây...) và nước sốt không thêm đường. Nếu mua cơm bên ngoài, người bệnh nên chọn cơm gạo lứt thay vì cơm trắng, thịt gà không da, thịt nạc, nhiều rau xanh, các loại củ luộc hoặc món canh, cố gắng ăn càng nhiều rau càng tốt. Mọi người nên chọn cỡ nhỏ hoặc thường khi đặt, mua thức ăn để kiểm soát khẩu phần ăn và cố gắng cắt giảm lượng tinh bột.
Một số gợi ý món ăn nhanh khác cho người tiểu đường là khoai tây chiên không tẩm bột, bánh mỳ trứng, gà bỏ da (cá, thịt bò, thịt heo nạc) nướng, salad (rau xanh với các loại hạt, đậu, gà nướng, sốt không thêm đường), phở gà, bánh sandwich chay (chỉ kẹp rau với sốt)... Món tráng miệng, bạn có thể thử bột yến mạch với trái cây, sữa chua trộn trái cây; đồ uống như soda ăn kiêng, nước chanh ít ngọt, trà đá và cà phê không đường...
Khi chọn thức ăn nhanh, người tiểu đường nên tránh món ăn có pho mát, phô mai, thịt mỡ, thịt chế biến sẵn (xúc xích, thịt nguội), đồ chiên ngập dầu (chiên giòn), thức ăn quá nhiều dầu mỡ. Người bệnh cũng hạn chế hoặc không cho thêm mayonnaise, nước sốt có nhiều đường; tránh nước ngọt, trà và cà phê có đường, nước trái cây có đường, bánh ngọt...
Mai Cát
(Theo Very Well Health)