Mất ngủ có thể gồm nhiều dạng khác nhau như giấc ngủ không liên tục, ngủ chập chờn không sâu giấc, thường xuyên thức giấc giữa đêm, trằn trọc khó vào giấc, ngủ không đủ giấc... Bệnh do nhiều nguyên nhân như ảnh hưởng bởi tâm lý, bệnh lý hoặc do thay đổi môi trường sống đột ngột. Mất ngủ kéo dài dễ dẫn đến biến chứng nguy hiểm như tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim, trầm cảm, đột quỵ.
Chẩn đoán
BS.CKII Trần Lê Thanh Tâm, Trưởng Đơn vị Thần kinh, Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7, cho biết chẩn đoán mất ngủ bằng cách dựa trên kết quả khám lâm sàng, bệnh sử. Tùy biểu hiện và mức độ mất ngủ, triệu chứng các bệnh lý kèm theo, bác sĩ có chỉ định xét nghiệm hay chụp chiếu phù hợp. Người bệnh có dấu hiệu bất thường hay tổn thương não thường được chỉ định chụp CT 1975 lát cắt hoặc 768 lát cắt, MRI 1,5-3 Tesla sọ não. Nếu người bệnh có biểu hiện khó thở, bác sĩ có thể siêu âm tim, đo điện tim, đo hô hấp ký, xét nghiệm khí máu động mạch. Bác sĩ chỉ định nội soi tiêu hóa khi người bệnh có dấu hiệu viêm loét dạ dày tá tràng, trào ngược dạ dày thực quản.
Hiện, kỹ thuật đo đa ký giấc ngủ là xét nghiệm hiện đại, không xâm lấn, không gây đau và an toàn, hỗ trợ chẩn đoán, đánh giá giấc ngủ và các bệnh lý liên quan gây mất ngủ, khó ngủ. Kỹ thuật này có thể áp dụng cho đa dạng người bệnh, kể cả trẻ em, phụ nữ mang thai hoặc người cao tuổi.
Đo đa ký giấc ngủ có nhiều kênh điện cực khác nhau bao gồm điện não, điện cực mắt, điện cơ, thông số hô hấp... giúp khảo sát toàn diện các hoạt động sinh lý của người bệnh trong giấc ngủ. Điển hình như hoạt động của sóng điện não, chuyển động mắt, trương lực cơ, nhịp tim, chuyển động chân, luồng khí thở, cử động thở, độ bão hòa oxy trong máu...
Dựa trên các thông số thu thập được từ đo đa ký giấc ngủ, bác sĩ phân tích, tìm ra nguyên nhân, đồng thời chẩn đoán nhiều loại bệnh lý gây mất ngủ và rối loạn giấc ngủ như mộng du, ngủ rũ, động kinh khi ngủ, hội chứng chân không yên, ngưng thở khi ngủ...
Điều trị
Tùy mỗi nguyên nhân gây mất ngủ, cơ địa và bệnh nền kèm theo, phương pháp điều trị khác nhau. Người bệnh có thể kết hợp biện pháp không dùng thuốc như vệ sinh giấc ngủ, thay đổi lối sống, chế độ dinh dưỡng, vận động. Bác sĩ cũng có thể kê một vài loại thuốc phù hợp hỗ trợ cải thiện chất lượng giấc ngủ. Người bệnh nên tuân thủ dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, không tự ý dùng thuốc hay tự ngưng thuốc hoặc thay đổi liều dùng vì dễ gây ra tác dụng phụ hoặc khiến mất ngủ tăng nặng, khó điều trị.
Bác sĩ có thể chỉ định điều trị mất ngủ bằng phương pháp kích thích từ trường xuyên sọ. Kỹ thuật sử dụng nguyên lý từ trường để kích thích vào các vùng vỏ não liên quan, có tác dụng cải thiện cảm xúc và giấc ngủ cho người bệnh.
Kỹ thuật kích thích từ trường xuyên sọ còn có khả năng cải thiện triệu chứng, góp phần nâng cao chất lượng giấc ngủ cho người bệnh trầm cảm, rối loạn lo âu, các bệnh lý thần kinh như sau đột quỵ, đau đầu, đau dây thần kinh sau zona, bệnh Parkinson... Người bệnh mất ngủ nên đi khám sớm để được can thiệp điều trị kịp thời.
Trường Giang
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh thần kinh tại đây để bác sĩ giải đáp |