Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Đức Tuấn, khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết viêm da cơ địa (bệnh chàm) là bệnh viêm da mạn tính tái phát thường xuyên. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi và thường khởi phát ở trẻ em.
Vùng viêm da thường xuất hiện ở mặt, cổ, da đầu, khuỷu tay, đầu gối, quanh miệng, bàn tay, mắt cá chân. Triệu chứng thường gặp là da khô, bong vảy, ngứa, viêm đỏ kèm theo các mụn nước nhỏ.
Khi trẻ bị viêm da cơ địa, bố mẹ cần lưu ý chăm sóc, điều trị giúp giảm ngứa, hạn chế viêm da, tăng độ ẩm, ngăn ngừa nhiễm trùng. Bé cần vệ sinh sạch sẽ vùng da bị viêm, sử dụng kem dưỡng ẩm phù hợp ngày 2-3 lần.
Theo bác sĩ Tuấn, trẻ bị viêm da có thể ngứa, bố mẹ nên sử dụng thuốc giảm ngứa, chống viêm theo chỉ định của bác sĩ, không nên tự ý sử dụng thuốc vì có nhiều tác dụng phụ. Ngoài ra, trẻ cần uống đủ nước, chế độ ăn đủ chất, tránh dùng thức ăn mà trẻ bị dị ứng.
Bên cạnh các biện pháp chăm sóc và điều trị, phòng bệnh đóng vai trò quan trọng. Trẻ nên được bú sữa mẹ đầy đủ để tạo hệ miễn dịch tốt, bổ sung một số vitamin cần thiết giúp củng cố hàng rào bảo vệ da. Phụ huynh nên tắm nước 26-27 độ C cho con với sữa tắm thích hợp; bôi thêm kem dưỡng ẩm; cắt ngắn móng tay, tránh gãi gây tổn thương da. Nên giữ không gian sống thoáng mát, nhiệt độ vừa phải.

Vùng viêm da có thể bị khô, ngứa. Ảnh: Freepik
Có nhiều yếu tố góp phần vào cơ chế bệnh sinh bệnh. Về mặt di truyền, bố mẹ hoặc người thân trong gia đình bị các bệnh liên quan đến dị ứng như hen phế quản, viêm mũi dị ứng... cũng làm tăng nguy cơ bị viêm da cơ địa cho trẻ.
Sự tổn thương hàng rào bảo vệ của da có thể làm da bị mất nước, các yếu tố kích ứng, nhiễm trùng dễ xâm nhập gây bệnh. Mặt khác, sự rối loạn yếu tố viêm hay tác động của yếu tố môi trường, tiếp xúc với dị nguyên cũng góp phần phát triển bệnh ở trẻ.
Lục Bảo
Độc giả đặt câu hỏi bệnh trẻ em tại đây để bác sĩ giải đáp |