Alzheimer là bệnh gây ra tình trạng mất trí nhớ, mất các chức năng nhận thức, làm ảnh hưởng nhiều đến chất lượng sống và làm việc của người bệnh.
PGS.TS.BS Nguyễn Văn Liệu (Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội) cho biết, bệnh Alzheimer không có thuốc điều trị nhưng nếu bệnh nhân sống với sự cảm thông thì diễn tiến bệnh sẽ chậm hơn, không tủi thân vì sự vô cảm của những người thân. Sự cô đơn, cảm giác tủi thân là điều mà người bệnh sợ nhất. Họ có thể hờn dỗi, ngồi một chỗ không để ý đến con cháu dù không có chuyện gì xảy ra. Điều họ cần là sự chăm sóc và yêu thương chân thành từ người thân và người xung quanh.
Để chăm sóc cho người bệnh Alzheimer, người nhà cần hiểu rõ từng giai đoạn của bệnh.
Giai đoạn nhẹ
Ở giai đoạn đầu, người bệnh gặp khó khăn hơn trong việc tự quản lý cuộc sống của bản thân nhưng họ thường vẫn có thể sống độc lập. Thông thường rất khó để phân biệt giữa các triệu chứng ở giai đoạn đầu và chứng hay quên bình thường do lão hóa. Không có khoảng cách giới hạn rõ ràng giữa các vấn đề bình thường liên quan đến lão hóa và bệnh Alzheimer nhẹ.
Hành vi và tâm trạng có thể thay đổi khi mắc bệnh Alzheimer giai đoạn đầu. Bệnh có thể gây ra cảm xúc tiêu cực như sợ hãi, căng thẳng, tức giận hoặc thậm chí cảm giác xấu hổ. Một số người cảm thấy chán nản hoặc cáu kỉnh, có thể có tâm trạng thất thường.
Bác sĩ Liệu khuyên rằng, người nhà và cả bệnh nhân nên dành thời gian để tìm hiểu bệnh. Người bệnh sẽ rất khó khăn khi bị chẩn đoán mắc bệnh và vai trò của người chăm sóc là hỗ trợ họ thông qua những cuộc nói chuyện, chia sẻ tình cảm và nhẹ nhàng. Lúc này, người bệnh cũng khó để hoàn thành các công việc sinh hoạt bình thường như lái xe, nấu nướng... Những người thân trong gia đình nên ở bên và thay họ đảm nhận các công việc này.
![Gia đình yêu thương, chăm sóc giúp cha mẹ bị suy giảm trí nhớ sống vui hơn. Ảnh: Shutterstock](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2022/03/18/cham-soc-4667-1647580582.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=Dv50f-3qYk5bah-dfuB5cA)
Gia đình yêu thương, chăm sóc giúp cha mẹ bị suy giảm trí nhớ sống vui hơn. Ảnh: Shutterstock
Giai đoạn trung bình
Những người mắc bệnh Alzheimer giai đoạn này thường không thể tự lập. Họ vẫn có thể tự ăn, uống và tắm rửa và có thể làm những công việc đơn giản xung quanh nhà hoặc vườn nhưng có thể phải được nhắc nhở, yêu cầu. Người bệnh chỉ có thể nấu ăn, mua sắm, giữ nhà sạch sẽ và đi dạo khi có sự giúp đỡ của người khác.
Họ dễ bị lạc, không tìm được đường trở về nhà, có thể gây nguy hiểm cho bản thân hoặc người khác. Các kiểu hành vi như đi tới đi lui, lục lọi trong ngăn kéo và loay hoay mua quần áo vô thức trở nên thường xuyên hơn. Những cơn tức giận, nghi ngờ thậm chí là hành vi hung hăng với người khác cũng là hậu quả của các vấn đề liên quan đến bệnh Alzheimer.
Giai đoạn này, người bệnh trở nên khó khăn hơn khi diễn đạt mọi thứ bằng lời và hiểu những gì người khác nói. Họ cũng nhầm lẫn quá khứ với hiện tại. Gia đình sẽ cần nhiều thời gian để chăm sóc người bệnh.
"Cảm giác của người chăm sóc cũng sẽ khá nhạy cảm nhưng đừng để sự căng thẳng làm ảnh hưởng tiêu cực đến bản thân. Cần chú ý giữ sức khỏe và tâm lý tốt trước khi chăm sóc bệnh nhân", bác sĩ Liệu lưu ý.
Giai đoạn nặng
Ở giai đoạn này, bệnh đã trở nặng và người bệnh cần sự giúp đỡ liên tục từ người khác. Các vấn đề về lời nói và ngôn ngữ có thể bắt đầu khiến cuộc trò chuyện gần như không thể thực hiện được. Bây giờ, họ thậm chí cần được giúp đỡ để hoàn thành các hoạt động đơn giản hàng ngày như ăn uống.
Người bệnh thường xuyên có cảm thấy bồn chồn, ảo giác hoặc nhầm lẫn quá khứ với hiện tại. Họ không còn nhận ra những người mà họ từng biết rất rõ. Việc kiểm soát các chức năng cơ thể và khả năng phối hợp vận động cũng có thể bị hạn chế.
Ở giai đoạn này, chăm sóc tại nhà có thể không đủ đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe với bệnh nhân. Gia đình có thể cân nhắc việc chăm sóc người bệnh kế hợp các dịch vụ chăm sóc chuyên nghiệp ở cơ sở điều dưỡng chuyên môn, nơi có thể giám sát và quản lý đầy đủ.
Ngọc An