Ô nhiễm không khí có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe ở cả người lớn và trẻ em. Để giảm tác động này, phụ huynh tham khảo một số cách bảo vệ trẻ dưới đây.
Giữ nhà ở sạch sẽ
Theo Hiệp hội Phổi Mỹ (ALA), chất lượng không khí trong nhà kém góp phần gây ra các bệnh đường hô hấp, nhiễm trùng. Tiếp xúc lâu dài với amiăng có thể dẫn đến xơ phổi và khó thở. Lông thú cưng, gián, mạt bụi, nấm mốc, phấn hoa, khói thuốc lá, bếp củi, bếp gas... cũng ảnh hưởng đến không gian sống. Nó làm tăng nguy cơ hen suyễn, viêm đường hô hấp, ho, dị ứng.
Lau nhà và hút bụi thường xuyên để làm sạch nấm mốc, lông thú cưng và bụi bẩn. Điều này cũng góp phần bảo vệ sức khỏe tổng thể cho trẻ.
Dùng máy lọc không khí
Các thành phố lớn, khu đô thị, khu công nghiệp có mức độ ô nhiễm cao hơn các vùng nông thôn hay các thị trấn, thành phố nhỏ hơn. Ngoài lau chùi và hút bụi, máy lọc không khí hút không khí trong nhà giúp làm sạch sâu hơn. Các chất ô nhiễm được xử lý qua bộ lọc và đưa luồng không khí sạch trở lại phòng. Sản phẩm có bộ lọc hấp thụ hạt (HEPA) còn có khả năng loại bỏ các hạt rất nhỏ, có hại trong không khí.
Lắp đặt hệ thống thông gió
Mở cửa sổ, cửa ra vào thường xuyên có tác dụng loại bỏ chất gây ô nhiễm. Tuy nhiên, nếu chất lượng không khí bên ngoài không tốt, gần đường quốc lộ, khu công nghiệp, nên hạn chế mở cửa nhà vì bụi bẩn có thể vào nhà. Trong trường hợp này, sử dụng hệ thống thông gió cùng với quạt hút có thể giúp ích. Thông gió tốt làm không khí trong lành, cải thiện sức khỏe và tiết kiệm năng lượng.
Cho trẻ đeo khẩu trang khi ra ngoài
Phụ huynh đeo khẩu trang cho trẻ em khi ra ngoài vào những ngày lượng không khí kém. Thói quen này giúp con không hít phải quá nhiều không khí độc hại, hạn chế tiếp xúc với các nguồn bệnh từ người ốm hay động vật.
Ba mẹ hạn chế để con tiếp xúc quá nhiều với ô nhiễm, ánh nắng mặt trời. Khuyến khích các bé đội mũ và sử dụng kem chống nắng có chỉ số chống nắng SPF 15 nếu nhiệt độ và mức độ ô nhiễm quá cao.
Ưu tiên đến nơi trong lành
Hệ miễn dịch của trẻ 0-5 tuổi còn yếu nên có nguy cơ mắc các vấn đề về phổi cao hơn. Các công viên có nhiều cây cối để vui chơi, nơi có ít chất ô nhiễm hơn là địa điểm lành mạnh cho các bé. Hòa mình vào thiên nhiên trong lành có thể cung cấp oxy, chữa lành đường hô hấp bị tổn thương.
Hạn chế ra ngoài khi ô nhiễm cao
Ô nhiễm không khí cùng với nhiệt độ cao ảnh hưởng xấu hơn đến trẻ em. Các bé nên hạn chế ra ngoài trong những ngày này. Cha mẹ thường xuyên theo dõi chỉ số chất lượng không khí để nhận thấy những thay đổi về chất lượng và thực hiện các biện pháp đối phó phù hợp.
Luyện tập thở
Phụ huynh dạy con vệ sinh hô hấp tốt, tập thở hàng ngày để phổi có khả năng phục hồi tốt hơn. Các bài tập thở còn có tác dụng thanh lọc phổi, thúc đẩy quá trình hô hấp.
Thở mím môi: Ngồi trên sàn, thư giãn cơ cổ, vai, từ từ hít vào bằng mũi trong hai lần đếm. Miệng đóng đóng lại, mím môi như sắp huýt sáo. Sau đó thở ra từ từ, nhẹ nhàng qua đôi môi mím. Lặp lại 4-5 lần.
Thở bằng lỗ mũi luân phiên: Ngồi thoải mái, thẳng cột sống; sử dụng ngón tay phải để đóng lỗ mũi phải, hít vào qua lỗ mũi trái, sau đó dùng tay đóng lỗ mũi trái. Mở lỗ mũi phải và thở ra. Thực hiện khoảng 4-6 phút.
Bảo Bảo (Theo Health Shots)
Độc giả đặt câu hỏi bệnh trẻ em tại đây để bác sĩ giải đáp |