BS.CKI Võ Trần Nguyên Duy, khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết tiền tiểu đường là tình trạng lượng đường trong máu cao, nhưng chưa đến mức để chẩn đoán bệnh đái tháo đường type 2. Theo Bộ Y tế, tính đến năm 2021 Việt Nam có khoảng 5,3 triệu người bị tiền tiểu đường, dự kiến 2/3 số này (chiếm 70%) sẽ chuyển thành đái tháo đường vào năm 2045. Dưới đây là những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc tiền tiểu đường.
Di truyền và tuổi: Di truyền có liên quan đến tiền tiểu đường. Nếu trong gia đình có ba, mẹ hoặc anh chị mắc tiểu đường, nguy cơ tiền tiểu đường của các thành viên khác sẽ cao hơn. Nguy cơ mắc tiền tiểu đường cao hơn ở những người trên 45 tuổi.
Thói quen sống không lành mạnh: Người có chế độ ăn nhiều thịt đỏ (thịt bò, trâu, bò, cừu, dê, nai...), thức ăn chế biến sẵn, đồ uống có đường có nguy cơ tiền tiểu đường cao. Theo bác sĩ Duy, thói quen ăn ít trái cây, rau xanh, các loại đậu và lười tập thể dục có thể làm tăng cholesterol xấu (LDL) và giảm cholesterol tốt (HDL).
Vòng eo: Nam giới có vòng eo lớn hơn 101.6 cm và với nữ có vòng eo lớn hơn 88.9 cm, nguy cơ tiền tiểu đường cao hơn. Thừa cân béo phì, đặc biệt bụng mỡ, là yếu tố nguy cơ chính của tiền tiểu đường. Vùng giữa cơ và xung quanh bụng càng nhiều mô mỡ làm tăng nguy cơ kháng insulin.
Tiểu đường thai kỳ: Tiểu đường thai kỳ làm tăng nguy cơ tiền tiểu đường cho sản phụ và em bé. Phụ nữ bị hội chứng buồng trứng đa nang thường gặp các vấn đề kinh nguyệt không đều, tóc mọc nhiều và béo phì, các rối loạn chuyển hóa trong cơ thể cũng dễ mắc tiền tiểu đường.
Hút thuốc: Khói thuốc có thể làm tăng đề kháng insulin. Người được chẩn đoán mắc tiền tiểu đường nếu không bỏ thuốc, nguy cơ tiểu đường type 2 cao hơn những người khác. Ngoài ra, người mắc chứng ngưng thở khi ngủ có nguy cơ kháng insulin cũng dễ bị tiền tiểu đường.
Theo bác sĩ Duy, tiền tiểu đường không ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, nhưng tình trạng này dễ chuyển thành đái tháo đường type 2, nếu không được kiểm soát. Tiền tiểu đường có thể gây ra các biến chứng như tăng huyết áp, mờ mắt, tổn thương tim, mạch máu, đột quỵ, gan nhiễm mỡ, tổn thương mắt, thận. Quá trình tiến triển từ tiền tiểu đường thành tiểu đường phụ thuộc vào nhiều yếu tố như chế độ ăn uống khoa học, vận động, quản lý đường huyết.
Bác sĩ Nguyên Duy khuyên người dân nên đi khám định kỳ với bác sĩ khoa Nội tiết - Đái tháo đường để kiểm tra và làm các xét nghiệm liên quan. Bác sĩ sẽ hướng dẫn người bệnh theo dõi sức khỏe, thực hiện các biện pháp phòng ngừa. Phát hiện tiền đái tháo đường và ngăn ngừa ở giai đoạn sớm giúp giảm nguy cơ chuyển biến thành bệnh tiểu đường.
Nguyễn Trăm